Sổ tay:

Ngăn chặn mang thai hộ bất hợp pháp

- Thứ Ba, 22/09/2020, 08:49 - Chia sẻ
Núp dưới chiêu bài mang thai hộ để giúp những gia đình hiếm muộn hoàn thành ước mơ được làm cha, làm mẹ, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của luật để tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thậm chí hình thành tổ chức mang thai hộ xuyên quốc gia để trục lợi. Theo các ngành chức năng, mang thai hộ vì mục đích thương mại là một loại tội phạm mới được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng hình phạt đối với loại tội phạm này còn khá nhẹ, chưa chặt chẽ, khó đủ sức răn đe...

Núp dưới chiêu bài mang thai hộ để giúp những gia đình hiếm muộn hoàn thành ước mơ được làm cha, làm mẹ, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thậm chí hình thành tổ chức mang thai hộ xuyên quốc gia để trục lợi.

Theo các ngành chức năng, mang thai hộ vì mục đích thương mại là một loại tội phạm mới được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng hình phạt đối với loại tội phạm này còn khá nhẹ, chưa chặt chẽ, khó đủ sức răn đe...

Việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2015) là quy định mang tính nhân văn cao, tạo cơ hội cho nhiều người được làm cha mẹ. Song, Luật này cũng nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại. Cụ thể về tội danh này, tại Khoản 1, Điều 187 Bộ luật Hình sự, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thì bị phạt tiền 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Bị phạt tù 1 - 5 năm khi thuộc một trong các trường hợp: Đối với 2 người trở lên, phạm tội 2 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm.

Quy định rõ là vậy, nhưng thời gian gần đây, nhiều người lợi dụng sơ hở của pháp luật để tổ chức mang thai hộ vì mục đích kinh tế trái luật, thậm chí có những đối tượng đã bất chấp quy định còn hình thành đường dây có tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Một trong những vụ việc vừa được các lực lượng chức năng khám phá, bóc gỡ mới đây nhất, vào ngày 16.9, tại bến xe phía Đông, TP Vinh, Đội điều tra tổng hợp, Công an TP Vinh phối hợp với các đơn vị chức năng đã bắt quả tang đối tượng Uông Thị Mai, khi người này đang đưa 1 phụ nữ (trú tại tỉnh Bình Dương) lên xe khách đi Cao Bằng nhằm vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Cùng thời điểm, Công an TP Vinh cũng đã tổ chức khám xét chỗ ở của Uông Thị Trang, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi đưa người trốn đi nước ngoài trái phép nhằm mang thai hộ.

Tại cơ quan chức năng, Trang khai nhận thời gian ở Trung Quốc đã từng mang thai hộ. Sau khi về nước, Trang đã thông qua ứng dụng Facebook, Zalo, Wechat... thành lập các nhóm "Mth", "Mang thai hộ", "MTH7" và cấu kết với Uông Thị Mai (SN 1993, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) để tìm những người để đưa sang Trung Quốc mang thai hộ và buôn bán bào thai để kiếm lời.

Trước đó, ngày 15.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 đối tượng về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, quy định tại Khoản 2, Điều 187, Bộ luật Hình sự. Hai phụ nữ bị khởi tố là Nguyễn Thị Hồng Trang (SN 1990, trú phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Lương Thị Bích Thư (SN 1994, trú thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Quá trình làm việc, 2 đối tượng Trang và Thư đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình về việc tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích lấy tiền chi tiêu cá nhân.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai hộ trái luật nhen nhóm bùng phát; lợi dụng mang thai hộ để vì mục đích thương mại dẫn đến phạm tội diễn ra trong thời gian qua là do hình phạt đối với loại tội phạm này còn khá nhẹ và chưa chặt chẽ, khó đủ sức răn đe (theo Nghị định số 82/2020/ NĐ-CP quy định người mang thai hộ vì mục đích thương mại chỉ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu). Trong khi đó, trong xã hội có cầu, ắt có cung nên sẽ không khó hình dung sự xuất hiện của một người đứng ra sắp xếp, tổ chức, gắn cung - cầu với nhau. Điều đáng nói là mặc dù liên quan đến số phận của con người, nhưng mức xử phạt tù đối với loại tội phạm này còn quá thấp.

Để ngăn chặn hành vi mang thai hộ bất hợp pháp rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đồng thời, pháp luật cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn cũng như đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân đối với loại tội phạm này.

Hải Thanh