Chính sách và cuộc sống

Nếu làn sóng FDI ập tới…

- Thứ Năm, 07/05/2020, 07:51 - Chia sẻ
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài (FDI) hiện có, đơn vị cho thuê nhà xưởng xây sẵn Kizuna vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất của mình. Trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Công ty đang thúc đẩy đầu tư xây dựng dự án có quy mô gần 80 nghìn mét vuông nhà xưởng xây sẵn, dự kiến bàn giao và sử dụng vào quý IV.2020 để đón đầu dòng vốn FDI.

Không chỉ Ban lãnh đạo của Kizuna có dự cảm tích cực về dòng vốn ngoại sẽ vào Việt Nam khi dịch Covid-19 lắng xuống. Trong báo cáo công bố đầu tháng 4 năm nay, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho rằng, một số doanh nghiệp trước đây còn chần chừ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam do lo ngại chuỗi cung ứng trong nước còn yếu, ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển thì nay sẽ có quyết sách nhanh và mạnh hơn. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp FDI không chỉ đầu tư các nhà máy mới ở nước ta mà còn hỗ trợ các nhà cung ứng trong nước tham gia vào hoạt động sản xuất của họ.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo gửi tới phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ cũng đưa ra nhận định: Nếu Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh và triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực trở lại từ quý III thì có thể hưởng lợi do có sự dịch chuyển dòng vốn FDI.

Vì sao cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đều có cái nhìn lạc quan như vậy, nhất là khi tính chung 4 tháng đầu năm nay số dự án FDI mới và điều chỉnh vốn đều giảm so với cùng kỳ năm 2019?

Trên thực tế, từ khi xảy ra thương chiến Mỹ - Trung, giới chuyên gia đã dự báo về làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Giờ đây, sự xuất hiện của dịch Covid-19 và thành quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch đóng vai trò như chất xúc tác đẩy nhanh hơn tiến trình này.

Theo thông tin trên tờ Nikkei Asian Review, trước tình hình dịch bệnh, cả Google và Microsoft đều muốn tăng tốc chuyển sản xuất điện thoại, laptop và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và Việt Nam là một trong những điểm đến được ưu tiên lựa chọn. Tương tự, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tới đây cũng sẽ hỗ trợ các công ty Nhật Bản muốn chuyển thiết bị và nhà máy sản xuất hoặc về nước, hoặc sang các địa điểm đầu tư khác trong ASEAN, mà Việt Nam là một ứng cử viên nặng ký.

Hiện Chính phủ đã xác định thu hút FDI là 1 trong 5 mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn thời kỳ sau dịch bệnh; nhưng vấn đề quan trọng nhất là chuẩn bị nguồn lực ra sao để đón nhận nếu làn sóng FDI “đổ bộ” vào nước ta.

Mặc dù Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhưng thực tế nước ta đang thiếu cả “hạ tầng cứng” và “hạ tầng mềm” để hấp thụ nguồn vốn FDI và đáng lo là những yếu tố này không thể khắc phục sớm được.

Chẳng hạn, một trong những hạ tầng cứng giúp các ngành sản xuất hoạt động dễ dàng và hiệu quả là điện. Vào năm 2025, nền kinh tế cần 60 nghìn MW điện nhưng đến nay mới có được 47 nghìn MW. Điều này có nghĩa trong 5 năm tới cần thêm 13 nghìn MW nữa nhưng một dự án nguồn điện mới, cụ thể là nhiệt điện, phải trải qua 10 năm cấp phép để có thể bắt tay vào xây dựng, vậy làm sao hóa giải được nguy cơ thiếu điện.

Chất lượng của “hạ tầng mềm” như thủ tục, chi phí, quy đinh pháp lý… thể hiện rõ nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 vừa được công bố. 59% doanh nghiệp có công trình xây dựng trong 2 năm qua cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng. Hơn 50% doanh nghiệp phản ánh phải trả các chi phí không chính thức để được việc. PCI ra đời đến nay đã được 15 năm, sau chừng ấy thời gian, vấn đề nhức nhối vẫn là chi phí không chính thức và thủ tục hành chính phiền hà - cho thấy hành trình cải cách thực sự rất gian nan.

Làn sóng FDI có thể xuất hiện, nhưng với thực tế về "hạ tầng cứng" và "hạ tầng mềm" như vậy, Việt Nam có tận dụng được hay không lại là một câu chuyện khác.

Hà Lan