Góc nhìn văn hóa

Nét đẹp văn hóa

- Thứ Tư, 30/09/2020, 06:04 - Chia sẻ
Tôi được chứng kiến hai chuyện đáng kể ra đây để chúng ta cùng suy ngẫm nhân dịp Tết Trung thu.

Chuyện thứ nhất: Rằm tháng Tám âm lịch mới đúng là ngày Tết Trung thu, nhưng không khí thì đã có trước đó khá lâu. Các quầy bán bánh kẹo, đồ chơi phục vụ ngày này đã mở bán trước cả tháng, thậm chí vài ba tháng. Nhưng đáng nói nhất là mọi người đều cố gắng chuẩn bị cho buổi tối trăng rằm thật vui vẻ.

Ở một làng quê nọ chưa phải đã giàu có, đời sống nhiều bà con cũng mới thoát nghèo, nhưng từ một tuần nay, mấy điểm vui chơi cho các cháu đã được dựng lên. Người ta chuẩn bị loa đài, kết hoa, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, thuê cả phông bạt đề phòng trời mưa các cháu vẫn tụ họp được.

Các đoàn thể ở địa phương như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh đã trích quỹ của mình để lo cho ngày Tết này. Các ông bà, cô chú bác cũng đến tham gia các tiết mục văn nghệ phục vụ các cháu. Họ hát cùng các cháu những bài hát thiếu nhi nổi tiếng: “Chiếc đèn ông sao”, “Ông trăng”, “Lượn tròn lượn khéo”, “Reo vang bình minh”... Có cảm giác như dịp này, các cháu có vẻ ngoan hơn, mọi người hân hoan, vui vẻ hơn.

Chuyện thứ hai: Một cô giáo mới chuyển về dạy ở trường làng nọ. Tết Trung thu, cô mời học sinh đến nhà mình cùng phá cỗ, dặn các em nhất định không được mang theo bất cứ thứ quà gì. Nhưng khi học trò đến, ngoài sân nhà cô mâm cỗ bánh kẹo và hoa quả đã đầy ắp. Cô trò cùng ca hát, trò chuyện. Dân làng thấy vậy đến xem, nghe văn nghệ “cây nhà lá vườn”...

Hai chuyện trên quả là rất bình thường, nhưng xét về ý nghĩa văn hóa thì lại rất đáng để mọi nơi, mọi người tự đánh thức tình cảm và trách nhiệm của mình đối với thế hệ măng non đất nước. Khi mà Nhà nước chưa thể lo hết được mọi việc, quan tâm được hết đến mọi điều liên quan đến thiếu nhi, thì tất thảy người lớn chúng ta hãy chủ động chung tay góp sức, bởi đó là tương lai của dân tộc, của đất nước.

TS. Nguyễn Đình San