Sổ tay:

Nên tiếp tục thí điểm bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:17 - Chia sẻ
Bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những nội dung sẽ được đề cập trong sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, cần tiếp tục thí điểm về vấn đề này, chưa cần thiết ban hành Nghị định.

Đây là đề nghị của nhiều đại biểu tham dự phiên họp mở rộng của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, thẩm tra dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Sản phẩm bảo hiểm vi mô đã có trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo nhiều đại biểu, đây là khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010): “Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh”. Do đó, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô không lợi nhuận sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Đây là lý lẽ để Chính phủ đề nghị xem xét ban hành dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Với đặc điểm của bảo hiểm vi mô là phân bổ và giảm thiểu rủi ro liên quan đến chi phí, điều khoản, mức hỗ trợ và kênh phân phối được thiết kế một cách phù hợp cho thị trường có thu nhập thấp và thường bảo hiểm cho rất nhiều lĩnh vực, như nhân thọ, chăm sóc sức khỏe, tài sản, mùa màng, gia súc và thiên tai. Đối tượng chủ yếu là nông dân và khu vực nông thôn, những người có thu nhập chưa cao. Hiện nay, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc cung cấp bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận đang cho thấy những rủi ro cả về khung pháp lý và khó khăn trong cách thức thực hiện lâu dài.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020, hiện Bộ Tài chính đang triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô với Trung tâm hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng (thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam). Băn khoăn về tính khả thi của việc ban hành Nghị định, nhiều đại biểu cho rằng, cần thiết tiếp tục thí điểm nội dung này để có thêm thời gian đánh giá tác động, thay vì ban hành Nghị định riêng vào thời điểm hiện nay, khi chỉ khoảng hơn một năm nữa Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành.

 Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu phiên họp mở rộng của Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Việc tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm vi mô là cần thiết. Bởi lẽ, “bảo hiểm vi mô phủ rộng được đến tất cả nhóm đối tượng mà hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại không thực hiện được, góp phần bảo đảm an sinh của quốc gia”. Nhấn mạnh điều này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh phân tích: Bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận dễ có nhiều rủi ro, mạo hiểm khi nhân rộng, nếu để các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện một cách độc lập mà không có sự trợ giúp ban đầu từ Nhà nước (về nguồn vốn cũng như cơ sở vật chất). Thực tế, hiện nay, việc bán sản phẩm bảo hiểm vi mô không vì lợi nhuận thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp vẫn còn gặp khó trong việc cân bằng giữa phí đóng và chi phí vận hành. Cho nên, dù mức phí rất tốt cho người sử dụng nhưng kinh phí vận hành lại quá tốn kém, cộng với mức dự phòng cao. Đây là điều cần được tính toán kỹ.

Bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận là một trong những nội dung quan trọng cần được làm rõ trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tới đây. Trong khi chờ đợi sửa luật, có lẽ điều mà các cấp quản lý nhà nước cần làm, đó là đơn giản hóa cơ chế, thủ tục nhằm bảo đảm khuyến khích người thu nhập thấp mua bảo hiểm cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện một cách hiệu quả và lâu bền.

Hồ Long