Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng - nhìn từ thực tiễn

Nên quan niệm lại về bộ máy giúp việc

- Thứ Hai, 01/06/2020, 07:20 - Chia sẻ
Đề xuất của Chính phủ về việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh, dưới góc nhìn của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nguyên Phó Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 NGUYỄN VĂN PHÚC, vẫn chưa phải là phương án tối ưu. Theo ông, quyết định tổ chức các văn phòng này như thế nào trong thời gian tới để đạt được mục tiêu mà Trung ương và Quốc hội đã đặt ra thì cần bàn từ gốc của vấn đề, trong đó cần quan niệm lại về bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND.

 Chưa phải là phương án tối ưu

 - Chính phủ đang đề xuất hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND, giữ Văn phòng UBND độc lập, là cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh. Ông thấy đề xuất này thế nào?

- Tôi không bất ngờ khi Chính phủ đề xuất mô hình này sau thời gian thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì chúng ta cũng chỉ quay trở lại với mô hình đã từng được thực hiện trước đây, không có gì mới. Nhưng rõ ràng, việc phải thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng vừa qua đã cho thấy, các mô hình mà chúng ta đã thực hiện hoặc đang đề xuất để tới đây thực hiện đều chưa phải là mô hình tối ưu.

Văn phòng HĐND và văn phòng UBND tuy khác nhau về chức năng, nhiệm vụ nhưng nếu nhìn từ góc độ tổ chức chính quyền thì có thể gộp lại với nhau thành văn phòng chính quyền địa phương. Nhưng mô hình này sẽ không khắc phục được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như thực tế đã được các địa phương phản ánh. Còn Văn phòng HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH tuy có chức năng tương đồng nhau, cùng phục vụ cơ quan dân cử, cơ quan giám sát nhưng ghép lại với nhau cũng chưa đúng vì hai cơ quan này không nằm trong cùng một hệ thống. Bởi ĐBQH không chỉ đại diện cho cử tri của đơn vị bầu cử mà còn đại diện cho cử tri cả nước quyết định các vấn đề của toàn quốc. Đoàn ĐBQH không phải là cơ quan, tổ chức của địa phương. Do đó, nhiệm vụ của Bộ phận phục vụ, giúp việc (Văn phòng) cho các ĐBQH, Đoàn ĐBQH cũng khác với nhiệm vụ của Văn phòng HĐND cấp tỉnh mặc dù có chung cử tri ở địa phương. Bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND như thế nào, theo tôi, cũng cần xem xét từ nguyên lý như vậy.

- Vậy theo ông, mô hình như thế nào mới là tối ưu?

- Tôi cho rằng, tốt nhất vẫn nên tổ chức 3 Văn phòng này độc lập vì rõ ràng mỗi Văn phòng phục vụ cho một chủ thể khác nhau. Chúng ta không nên bàn chuyện tách - nhập một cách cơ học.

- Đề xuất của ông có đi ngược với chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của Trung ương hay không?

- Chủ trương của Trung ương là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và kèm theo đó là một yêu cầu hết sức quan trọng: nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Mô hình tách, nhập các văn phòng này trong lịch sử đều đã cho thấy những bất cập. Vì vậy, để đạt được mục tiêu của Trung ương vừa tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vừa bảo đảm sự vận hành trơn tru, hiệu quả của bộ máy thì phải bàn từ gốc của vấn đề: chúng ta quan niệm về các văn phòng này như thế nào? Hai chữ “Văn phòng” dẫn đến cách hiểu rằng đó phải là một cơ quan như một sở ở địa phương nên phải có chánh văn phòng, phó chánh văn phòng, các phòng bên trong. Quan niệm như thế thì dẫn đến hành chính hóa và phình bộ máy. Chúng ta phải bàn bản chất vấn đề đã. 3 văn phòng phục vụ cho 3 chủ thể có chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí riêng biệt nên để độc lập cũng không sao. Quan trọng nhất là phải tổ chức lại hợp lý và không được phình ra.

Quan trọng nhất là bảo đảm ngân sách và thay đổi cách thức hoạt động

- Cụ thể, nếu độc lập, theo ông nên tổ chức lại các văn phòng này như thế nào?

- Văn phòng UBND có thể giữ là cơ quan tham mưu, tổng hợp, giúp việc của UBND vì phục vụ cho cơ quan phải quản lý, điều hành việc thực thi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xử lý các vụ việc ở địa phương thường xuyên, hàng ngày.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND thì nên tổ chức lại đúng với vai trò là bộ phận giúp việc cho Đoàn ĐBQH và HĐND, gọn lại, ít người thôi. Tôi muốn nhắc lại một chút về Văn phòng Đoàn ĐBQH. Ý tưởng thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH là của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão khi chuẩn bị Đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, dự án Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Tổ chức HĐND và UBND. Ông Phan Ngọc Tường, Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ lúc đó, cũng rất ủng hộ quan điểm này và cho rằng, nếu thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH thì chính Văn phòng này phải độc lập với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND. Hai ông đã nhìn nhận vấn đề theo một nguyên lý rất rõ ràng: ĐBQH không phải chỉ là đại biểu của cử tri nơi ứng cử mà còn là đại biểu của cử tri và nhân dân cả nước. Ngay từ thời điểm đó, hai ông cũng đã có quan điểm rằng Văn phòng Đoàn ĐBQH chỉ nên tổ chức đơn giản cả về bộ máy và nhân sự, quan trọng nhất là phải bảo đảm đủ ngân sách để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ĐBQH, Đoàn ĐBQH ở địa phương.

- Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND mà thu gọn như đề xuất của ông liệu có bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động tham mưu, phục vụ cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh hay không?

- Điều quan trọng nhất khi tổ chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh gọn lại là phải bảo đảm đủ ngân sách để khi cần thiết sẽ tổ chức thuê chuyên gia, trưng tập cán bộ, đặt hàng... các chuyên gia nghiên cứu, phản biện, tham vấn cho ĐBQH, đại biểu HĐND về các nội dung thuộc chương trình nghị sự của Quốc hội, của HĐND. Bây giờ, nếu cứ bảo Đoàn ĐBQH, HĐND phải đi giám sát, phải nghiên cứu đóng góp ý kiến cho các dự án luật, các vấn đề được trình Quốc hội, HĐND... thì chúng ta phải “đẻ” ra bộ máy bao nhiêu người mới “ôm” hết được chừng đó việc? Các Đoàn giám sát của Quốc hội hiện nay cũng mời các chuyên gia bên ngoài tham gia chứ Văn phòng làm sao đủ lực lượng để thực hiện hết được?

Tôi cho rằng, phải quan niệm lại về Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND. Các Văn phòng này chỉ làm những việc mang tính chất tổng hợp, phục vụ các đại biểu khi tiếp xúc cử tri, còn các việc liên quan đến chuyên môn trong từng lĩnh vực thì thuê chuyên gia thực hiện để tư vấn, tham mưu cho Đoàn ĐBQH, HĐND. Quy mô các Văn phòng này phải đơn giản thôi, nếu cần thì giao Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND trực tiếp chỉ đạo công tác Văn phòng, không đặt ra Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng làm gì cho phức tạp…

Tóm lại, đừng nên quan niệm Văn phòng là bộ máy gì ghê gớm mà chỉ nên quan niệm đây là một bộ phận giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND - thay vì tổ chức một bộ máy với đầy đủ các phòng, ban, biên chế - thì phải bảo đảm ngân sách và cơ chế thuê chuyên gia bên ngoài, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động...  Điều này sẽ giúp nhân lên được sức mạnh của Đoàn ĐBQH, HĐND cũng như các đại biểu. Nếu bảo đảm được các yếu tố như vậy thì 3 Văn phòng này tổ chức độc lập với nhau cũng không thể tăng biên chế, phình bộ máy được mà còn bảo đảm mục tiêu hiệu quả, hiệu lực hoạt động đúng như chủ trương của Trung ương và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện