Nên là gói hỗ trợ dài hạn

- Thứ Năm, 24/09/2020, 05:55 - Chia sẻ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang có kế hoạch xây dựng thêm một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động với quy mô dự kiến khoảng 18 nghìn tỷ đồng.

Đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, dịch bệnh bùng phát lần 2 trong nước khiến doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn thì hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ việc làm là một ưu tiên chính sách xác đáng của Chính phủ. Tuy nhiên, thiết kế gói hỗ trợ lần 2 cần có sự tính toán để hướng đến mục tiêu dài hạn và thực chất, dựa trên cơ sở đánh giá cẩn trọng hiệu quả và rút kinh nghiệm từ thực thi gói hỗ trợ lần 1.

Trước hết, bối cảnh thiết kế chính sách của lần này đã có sự khác biệt căn bản. Gói hỗ trợ lần 1 được thiết kế vào thời điểm dịch mới bùng phát, lúc đó chưa thể lượng hóa được mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu và đối với từng ngành kinh doanh. Quan trọng hơn, cách ly xã hội được tiến hành toàn diện trên cả nước và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, mọi doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình.

Giai đoạn hiện nay, với kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh tích lũy được, giãn cách xã hội chỉ thực hiện ở từng địa phương cụ thể. Với từng ngành cụ thể, yêu cầu giãn cách hay áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng khác nhau. Thêm vào đó, về mặt bối cảnh chung, bức tranh kinh tế thế giới đã rõ ràng hơn rất nhiều khi các nền kinh tế, trong đó bao gồm các đối tác thương mại, kinh doanh lớn của Việt Nam đã đi qua khoảng thời gian 3 quý đương đầu với dịch bệnh.

Với tất cả những yếu tố khác biệt nêu trên, gói hỗ trợ lần 2 không còn mang tính ngắn hạn, khẩn cấp mà nên là gói dài hạn, tập trung vào nâng cao năng lực thích ứng cho doanh nghiệp khi đối diện với tình hình kinh tế toàn cầu sẽ còn khó khăn và suy thoái kéo dài.

Hơn thế nữa, Chính phủ cũng cần đánh giá lại toàn diện các nguồn lực tài chính mà Chính phủ có được để “liệu cơm gắp mắm” trước khi xác định quy mô gói cứu trợ lần này. Cần phải tính đến nguồn thu ngân sách không chỉ riêng năm 2020 mà còn căn cứ vào kịch bản nguồn thu những năm tới. Nợ công cũng là yếu tố phải “soi”, bởi kể cả khi cần tiền để hỗ trợ doanh nghiệp, thì kỷ luật tài khóa vẫn cần được duy trì, ngưỡng nợ công/GDP cần thiết phải được giữ vững nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô và an toàn tài chính cho dài hạn.

Nói vậy để thấy, trong thời điểm hiện nay, thay vì vội vàng đệ trình gói hỗ trợ mới, việc cần làm hơn là thu thập thông tin dữ liệu một cách toàn diện và bài bản, phân tích và đánh giá tình hình xác thực; từ đó mới tính đến các giải pháp chính sách tiếp theo.

Kể cả khi xác định được nguồn lực cho gói hỗ trợ rồi, các tiêu chuẩn xác định đối tượng nhận và khâu thực thi giải ngân vẫn cần được xem xét, sau đó lấy ý kiến rộng rãi doanh nghiệp, chuyên gia, và các bên liên quan. Nhắc lại điều này không thừa, bởi cách thiết kế và thực thi gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 1 đã không như mong đợi. Nhiều doanh nghiệp, người lao động phản ánh họ không tiếp cận được gói hỗ trợ này dù theo công bố họ đạt điều kiện được hỗ trợ. Số tiền giải ngân thực tế đến giữa tháng 7 mới chỉ đạt 11,5 nghìn tỷ đồng trên tổng số ngân sách 62 nghìn tỷ đồng dự kiến.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho doanh nghiệp không phải là giải pháp duy nhất. Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian và chi phí liên quan đến giấy tờ, thủ tục; giảm thanh tra kiểm tra… là những hỗ trợ không kém phần quan trọng, lại vừa giúp doanh nghiệp và môi trường kinh doanh trở nên lành mạnh và cạnh tranh hơn về dài hạn.

Sa Nam