Dự thảo Luật Đầu tư theo đối tác công - tư (PPP)

Nên có dòng ngân sách riêng cho dự án PPP

- Thứ Tư, 29/04/2020, 07:21 - Chia sẻ
Đây là đề xuất của các chuyên gia tại Tọa đàm: Các vấn đề về tài trợ vốn và cơ chế giám sát dự án PPP do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) phối hợp với Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng tổ chức sáng 28.4. “Nếu muốn thúc đẩy PPP thì việc có dòng ngân sách riêng cho PPP chính là biện pháp”, ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp về quản lý nhà nước và PPP, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội Phạm Ngọc Lâm xác nhận: “Tài trợ vốn cho dự án PPP là một trong những nội dung cốt lõi, xuyên suốt nhiều điều khoản dự thảo Luật và thể hiện rõ nét nhất sự bình đẳng của các bên theo đối tác công - tư”. 

Một bước lùi?!

Điều 77 về thu xếp tài chính thực hiện dự án quy định nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu, huy động vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định tại hợp đồng. Tổng số vốn vay thông qua các hình thức vay không được vượt tổng số vốn vay quy định tại hợp đồng dự án PPP.
Cụ thể, nhà đầu tư phải góp vốn chủ sở hữu tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án, trong đó không bao gồm vốn nhà nước. Trường hợp liên danh, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên trong liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15%. Đối với doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thành lập có mục đích duy nhất để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP, được phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của Luật này...
Đối với phần vốn nhà nước tham gia dự án PPP, Giám đốc Công ty tư vấn Monitor Consulting Trần Duy Hưng nhìn nhận, đây là vốn mồi, rất quan trọng để thúc đẩy dự án. Tuy vậy, nếu nhìn xuyên suốt quá trình phát triển văn bản pháp luật liên quan BOT hơn 10 năm qua thì quy trình phân bổ vốn cho dự án PPP trong dự thảo Luật mới nhất không có nhiều thay đổi. 
 
Theo đó, tại Điều 75 quy định, trường hợp dự án PPP chưa có trong danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ được cơ quan có thẩm quyền lập phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Xét hơn 300 dự án PPP đã triển khai, phần vốn nhà nước chỉ tham gia giải phóng mặt bằng, chưa dự án nào sử dụng vốn hỗ trợ xây dựng (VGS), ngoại trừ dự án Phan Thiết - Dầu Giây. Theo ông Hưng, việc dự thảo quy định vốn đầu tư công trong dự án PPP được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ thiếu tính linh hoạt, rất khó trong quản lý rủi ro tài khóa. Ông đề xuất lập một dòng ngân sách riêng hoặc quỹ riêng để cấp vốn cho dự án PPP. “Dự thảo đầu tiên đã đưa ra 2 phương án này. Đáng tiếc là đến giờ không còn nữa và quay lại phương án suốt 10 năm qua, đó là tích hợp vốn PPP trong đầu tư công trung hạn. Phía trước sẽ tiếp tục là những trở ngại đã xảy ra trong 10 năm đó”, ông Hưng nhìn nhận.

Nguồn: ITN

Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) Đào Việt Dũng bổ sung, tài chính cho dự án bắt đầu từ việc chuẩn bị dự án, đây là khâu quyết định sự thành bại dự án. Tuy nhiên, dự thảo Luật PPP quy định vốn đầu tư công trong dự án PPP được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Như vậy có nghĩa việc chuẩn bị dự án lại phải nằm trong quy trình xét duyệt ngân sách 5 năm. Theo kinh nghiệm trong hỗ trợ chuẩn bị dự án, ADB gặp nhiều khó khăn về việc này. 

Cũng theo ông Dũng, tài chính cho dự án PPP gồm tài chính của Chính phủ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thanh lý, hủy hợp đồng... Do đó, để bảo đảm sự linh hoạt “nên có dòng ngân sách riêng” với cơ chế hoạt động, chế tài giám sát cụ thể. “Nếu muốn thúc đẩy PPP thì đây (có dòng ngân sách riêng - PV) chính là biện pháp. Bởi dự án PPP không hoàn toàn là đầu tư công, nếu “trói” PPP theo Luật Đầu tư công sẽ gây khó khăn trong quản lý”. Khi có được dòng ngân sách này, ông Dũng cho rằng không những tạo sự linh hoạt mà còn nâng cao vai trò của Bộ Tài chính, giảm bớt rủi ro, tạo yên tâm cho nhà đầu tư cũng như các ngân hàng.

Nên bổ sung quyền bên cho vay

Tuy vậy, nhiều đại biểu băn khoăn về quyền của bên cho vay trong dự thảo Luật PPP.  Chuyên gia PPP quốc tế Đoàn Giang phân tích, thông thường, 80% vốn của dự án PPP là từ các ngân hàng nên họ sẽ rất quan tâm đến quyền lợi của mình. Nhìn vào bản dự thảo mới nhất, ông Giang lo ngại quyền của bên cho vay khi có vấn đề xảy ra. Theo dự thảo Luật, khi thấy nhà đầu tư có vấn đề ảnh hưởng đến việc trả nợ, bên cho vay chỉ có quyền thông báo cho chủ đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất nhà đầu tư thay thế chứ không được chỉ định nhà đầu tư thay thế. “Điều này trái với thông lệ quốc tế”, ông Giang khẳng định. Theo ông, quyền của bên cho vay đối với dự án PPP phải được thiết lập từ khi họ thấy khả năng thu hồi vốn có vấn đề chứ không phải tới khi chấm dứt hợp đồng cấp tín dụng như dự thảo Luật quy định; đồng thời dự thảo Luật nên cho phép bên cho vay có quyền đề xuất nhà đầu tư mới thay thế.

Ông Đặng Chi Liêu, Công ty Luật Baker & McKenzie cũng cho rằng, bên cho vay cần phải được tiếp quản dự án trong mọi trường hợp, không cần đợi tới lúc chấm dứt hợp đồng cấp tín dụng. “Họ (bên cho vay - PV) rất sợ chấm dứt hợp đồng cấp tín dụng mà giờ nói chấm dứt hợp đồng họ mới được vào tiếp quản thì không hợp lý”. 

Không nên quy định tỷ lệ góp vốn

Theo chuyên gia của IPS, luật sư Nguyễn Tiến Lập, dự thảo Luật đang có sự nhầm lẫn liên quan cơ chế tài chính. Theo đó, tài chính của dự án PPP là tài chính dự án chứ không phải tài chính doanh nghiệp nên các bên tham gia phải xoay quanh hiệu quả của dự án đó. Do đó, khi phê duyệt tính khả thi của dự án, hãy bỏ qua việc xem trọng năng lực nhà đầu tư ban đầu vì họ chỉ là nhà phát triển dự án. Quan trọng phải là doanh nghiệp dự án. “Chúng ta đang nhầm lẫn việc tăng phần vốn tư nhân lên là cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong khi đáng ra phải là phát hành trái phiếu công trình”, ông Lập nhấn mạnh.

Một vấn đề đặt ra là, phải chăng trong dự án PPP, Nhà nước phải bỏ vốn? Theo ông Trần Duy Hưng, điều này không chính xác bởi thực tế có rất nhiều dự án PPP không cần vốn tham gia của Nhà nước. Thống kê của Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2010 -  2014 cho thấy, chỉ có 1/3  dự án PPP do Nhà nước bỏ vốn nhưng vẫn phải đưa vào PPP vì có nhiều dự án bản chất cung cấp dịch vụ công và cần sự chia sẻ rủi ro để bảo đảm quyền lợi cho người dân cùng các bên liên quan.

Do đó, các chuyên gia đề xuất, dự thảo Luật không nên quy định tỷ lệ vốn của mỗi thành phần tham gia dự án PPP. Nếu tư nhân có khả năng đáp ứng 100% vốn thì Nhà nước không cần bỏ vốn nữa, Nhà nước chỉ tham gia việc kiểm soát tiến độ thực hiện và cam kết của nhà đầu tư. Trong trường hợp Nhà nước cần cấp vốn cho dự án nên thực hiện ở 2 giai đoạn là chuẩn bị dự án giải phóng mặt bằng và giai đoạn xây dựng. Nếu chỉ tập trung vào giải phóng mặt bằng sẽ dễ dẫn đến dự án treo.
Vũ Thủy