Điện Biên

Nâng chất lượng dân số nhờ đổi mới công tác truyền thông

- Thứ Hai, 21/09/2020, 15:29 - Chia sẻ
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động đến mở rộng mô hình, chất lượng dân số của tỉnh Điện Biên đang được nâng lên rõ rệt. Tỷ suất sinh giảm từ 31,44% (năm 2001) xuống còn 21,99% (năm 2019); tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 55% (năm 2001) lên 58,37% (năm 2019); số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 3,92 con (năm 2001) xuống còn 2,72 con (năm 2019). Các chỉ tiêu trên đã giúp Điện Biên tiến dần tới mốc đạt mức sinh thay thế và bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng.

Triển khai hiệu quả nhiều mô hình

Những năm trước đây (trước 2011) hiện tượng tảo hôn ở tỉnh Điện Biên diễn ra khá phổ biến do những hủ tục “ăn sâu bám rễ” trong tư duy của người dân; cùng với đó là những hạn chế trong việc tiếp cận kiến thức, thông tin; đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn...

Trước thực trạng này, năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các bản ở 6 xã là Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông (huyện Mường Chà); Phì Nhừ, Xa Dung, Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông). Sau khi đạt được những kết quả khả quan bước đầu, mô hình được nhân rộng và cho đến nay đã triển khai đại trà tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết đến đoàn viên, hội viên và bà con nhân dân, thông qua những hình thức phong phú, như truyền thông nhóm; trao đổi, nói chuyện chuyên đề tại các bản gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng, từ đó tác động trực tiếp đến nhận thức, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ của các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên Vũ Thị Thùy, mô hình đã xác định đối tượng chính cần tiếp cận và tác động là lứa tuổi thanh, thiếu niên nên Phòng Dân số các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các trường dân tộc nội trú trên địa bàn để tổ chức tập huấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân cho cán bộ, giáo viên; nói chuyện chuyên đề cho học sinh nội trú; thành lập Câu lạc bộ Tư vấn tiền hôn nhân với nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình; tình yêu, tình bạn, những hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết...

Cán bộ dân số xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trên địa bàn xã.
Cán bộ dân số xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trên địa bàn xã

Đặc biệt, Chi cục đã phát huy tối đa chức năng của đội ngũ cộng tác viên dân số, không chỉ sâu sát đến từng hộ gia đình, trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cộng tác viên còn có nhiệm vụ phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết, để từ đó có biện pháp tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng người và phối hợp cùng các lực lượng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn. Cho đến nay, tuy vẫn tồn tại một số trường hợp, song về cơ bản tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều.

Một mô hình dân số khác đã và đang được triển khai hiệu quả đó là Câu lạc bộ (CLB) tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Thông qua nội dung sinh hoạt, các CLB đã cung cấp cho vị thành niên - thanh niên trên địa bàn nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý lứa tuổi… giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, biết sử dụng các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn; khi mang thai đã đến cơ sở y tế để khám sàng lọc trước, trong và sau sinh.

Khắc phục khó khăn, tồn tại

Mặc dù bức tranh cơ cấu dân số của tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến nhưng ngành dân số tỉnh Điện Biên vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khi Điện Biên vẫn là địa phương có mức sinh cao, các vấn đề như tỷ lệ sinh con thứ 3, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn tồn tại.

Để khắc phục những vấn đề này, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đồng thời triển khai nhiều đề án về dân số tại các địa phương trong tỉnh, như Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; tiếp tục đẩy mạnh mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030. Mới đây, Chi cục đã triển khai Mô hình “Bản không có tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết thống” năm 2020 tại bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP Điện Biên Phủ). Tuy nhiên, để các mô hình vận hành hiệu quả, cần giải quyết hai vấn đề đó là kinh phí hoạt động và thù lao cho cộng tác viên dân số - hai khó khăn chính khiến các đề án giảm hiệu quả hoạt động.

Theo Chi cục trưởng Vũ Thị Thùy, công tác truyền thông vẫn được xác định là giải pháp quan trọng. Để nhiệm vụ này đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở. Ngoài ra, ngành dân số cũng xác định sẽ tăng cường khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sự đóng góp, chung tay của cộng đồng và có hình thức khen thưởng, khuyến khích kịp thời các cá nhân, tập thể đạt thành tích, để phát huy nhân rộng các mô hình trong cộng đồng dân cư.

Tùng Dương