Sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn EVFTA, EVIPA, Công ước 105

Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam

- Thứ Bảy, 13/06/2020, 20:41 - Chia sẻ
Sáng nay, 8.6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). Sự kiện này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đang chủ động đi đầu trong cơ chế hợp tác kinh tế cũng như diễn đàn khu vực và thế giới; đồng thời, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ động đi đầu trong cơ chế hợp tác quốc tế

Quá trình đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn EVFTA, EVIPA là hành trình dài, với sự nỗ lực không mệt mỏi của nhiều bên. Nếu tính từ khi Việt Nam và EU nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10.2010 cho tới khi hiệp định chính thức được phía EU phê chuẩn vào đầu năm 2020 thì đã gần 10 năm. Trong suốt quá trình đó, Quốc hội luôn ủng hộ và đồng hành với Chính phủ, thông qua kênh ngoại giao nghị viện tác động đến các đối tác châu Âu và Nghị viện châu Âu đẩy nhanh tiến trình ký kết, phê chuẩn EVFTA, EVIPA. Ngày 12.2.2020, theo giờ Việt Nam, Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn EVFTA và EVIPA với số phiếu ủng hộ cao. Điều này một lần nữa khẳng định sự tin tưởng mà EU dành cho Việt Nam cũng như triển vọng phát triển quan hệ thương mại giữa hai bên.

Chịu trách nhiệm chủ trì thẩm tra đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn EVFTA và EVIPA, Ủy ban Đối ngoại đã chủ động vào cuộc từ rất sớm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, ngay sau Chủ tịch Nước có Tờ trình gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA ngày 18.4.2020 và Chính phủ có Báo cáo thuyết minh số 159/BC-CP về việc phê chuẩn EVFTA ngày 20.4.2020, thì ngày 21.4.2020, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra việc phê chuẩn hiệp định và có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Chín. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến về nội dung này. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, với trách nhiệm và kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực do mình phụ trách, Ủy ban Đối ngoại đã thận trọng làm việc với các bộ, cơ quan hữu quan và tham vấn một số tổ chức của Liên Hợp Quốc và các bên liên quan để chuẩn bị Báo cáo thẩm tra, cung cấp thêm nhiều thông tin, làm căn cứ cho đại biểu Quốc hội quyết định.

Cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA và EVIPA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Theo nhận định của giới quan sát, EVFTA và EVIPA là bước tiến lớn đưa Việt Nam vươn lên nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi lẽ, EVFTA là hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất từ trước tới nay mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển ở châu Á. Việt Nam cũng là thành viên thứ hai trong khối ASEAN, sau Singapore, có hiệp định thương mại tự do với EU.

Phê chuẩn EVFTA và EVIPA là khẳng định của hai bên về xây dựng cơ chế thương mại cởi mở, công bằng, dựa trên các quy tắc mới cho thương mại quốc tế cũng như là khuôn mẫu để tiến tới xây dựng hiệp định thương mại tự do giữa EU và ASEAN trong thời gian tới. Việc phê chuẩn EVFTA cũng cho thấy, EU coi Việt Nam là đối tác tin cậy để thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp. Với những ý nghĩa đó, việc Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIPA để hai hiệp định này sớm có hiệu lực thực thi sẽ góp phần khẳng định Việt Nam đang chủ động đi đầu trong cơ chế hợp tác kinh tế và diễn đàn khu vực, thế giới.

Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện

Là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi cam kết sâu rộng và toàn diện, EVFTA có hiệu lực sẽ tạo ra các tác động lâu dài đến sự phát triển kinh tế và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng của EU, với hơn 500 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trị giá 15.000 tỷ USD, chiến 22% GDP toàn cầu. Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, dưới tác động tổng hợp của cắt giảm thuế xuất, nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan, FDI và cải thiện năng suất, hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 4,57 - 5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07 - 7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Về mặt chính trị, tại thời điểm Việt Nam đảm nhiệm đồng thời vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch AIPA năm 2020, việc phê chuẩn nhằm đưa EVFTA vào thực thi sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm, uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Tuy vậy, làm thế nào để tối ưu hóa những lợi ích mà hai hiệp định này mang lại mới là câu chuyện quan trọng nhất hiện nay. Nhiều đại biểu Quốc hội đã lưu ý, việc triển khai hiện thực hóa các cam kết là chặng đường gian nan ở phía trước, nhất là khi EVFTA có tiêu chuẩn rất cao đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam và đi kèm những cam kết mang tính phi thương mại như lao động, phát triển bền vững, chống đánh bắt cá trái phép, mua sắm công, minh bạch hóa… Vì thế, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần bắt tay ngay vào rà soát và ban hành các văn bản hướng dẫn; cụ thể hóa chương trình, kế hoạch hành động nhằm thực thi hiệu quả các cam kết trong hai hiệp định này; đồng thời, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội mà hiệp định mang lại.

Với chức năng lập pháp và giám sát, Quốc hội sẽ đẩy nhanh quá trình xem xét, thông qua các dự án luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho triển khai EVFTA và EVIPA. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại cũng kiến nghị, trong báo cáo Quốc hội hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, Chính phủ có đánh giá định lượng về kết quả và hiệu quả thực hiện hiệp định trên các mặt kinh tế - xã hội so với các chỉ tiêu dự kiến đề ra khi trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định. Quốc hội sẽ luôn đồng hành với Chính phủ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện EVFTA và EVIPA để có thể hiện thực hóa những lợi ích của hai hiệp định này, góp phần đưa đất nước phát triển ngày càng nhanh và bền vững hơn trong tương lai.

Nhật An