Nâng cao sức khỏe cho người di cư

- Thứ Hai, 13/07/2020, 05:45 - Chia sẻ
Di cư là hiện tượng tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội đất nước, song cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Để nâng cao sức khỏe cho người di cư, các chuyên gia cho rằng, đây không phải là bài toán của riêng một ngành nào mà là sự phối hợp, chung tay của tất cả các cấp, các ngành, cả trung ương và địa phương.

Di cư là hiện tượng tất yếu

Hiện nay, dân số thế giới có khoảng hơn 7 tỷ người thì có khoảng 272 triệu người di cư. Tại Việt Nam, với quy mô dân số 96,2 triệu người, xếp thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Số người Việt Nam di cư quốc tế chiếm gần 9% dân số. Hồ sơ Di cư Việt Nam 2016 của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho thấy, năm 2016 cả nước có gần 6 triệu lượt người Việt Nam xuất cảnh. Tỷ lệ nam - nữ xuất cảnh tương đương nhau (năm 2015, nữ xuất cảnh chiếm 49,7%). Người Việt Nam di cư ra nước ngoài cao nhất ở nhóm tuổi 20 - 39. Lý do di cư chủ yếu là ra nước ngoài làm việc và học tập.

Cần xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe người di cư
Nguồn: ITN

Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cũng cho thấy, tổng dân số Việt Nam là 96,2 triệu người (2019), xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN và xếp thứ 15 trên thế giới. Trong 5 năm qua, số người di cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 7,3%, tương đương khoảng 6,4 triệu người. Các dòng di cư tại Việt Nam là thành thị - thành thị (36,5%), nông thôn - thành thị (27,5%), nông thôn - nông thôn (26,4%) và thành thị - nông thôn (9,6%). Như vậy, dòng di cư nội địa chủ đạo của Việt Nam là từ thành thị đến thành thị và từ nông thôn ra thành thị.

Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng cho biết, di cư là một hiện tượng tất yếu, gắn liền với quá trình phát triển. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số. Với số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, di cư mang đến nhiều lợi thế và động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Chưa kể, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với kết cấu hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề về an toàn, an ninh trật tự xã hội. Bản thân người di cư cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã yêu cầu quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư. Bộ Y tế cũng đã cam kết thực hiện Nghị quyết 70.15 về tăng cường sức khỏe của người tị nạn và người di cư được Hội đồng Y tế thế giới (WHA) thông qua tháng 5.2017.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Chia sẻ tại Hội thảo Khởi động Chương trình nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra mới đây, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em Nguyễn Đình Cử cho biết, trong những năm gần đây, di cư ở Việt Nam có xu hướng gia tăng tới bùng nổ di cư. Xu hướng này còn tiếp tục tăng lên bởi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, thu nhập, việc làm chênh lệch giữa thành thị - nông thôn cũng như giữa các thành phố lớn.

Báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế cũng cho thấy, trong đại dịch Covid-19, tại Việt Nam có rất nhiều người di cư là người nước ngoài (chuyên gia, người lao động, khách du lịch) cũng như người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trở về nước trong giai đoạn đại dịch. Trong tương lai, còn nhiều người Việt Nam sẽ ra nước ngoài để làm việc tại những thị trường lao động tiềm năng, quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Hoàng, người di cư được xác định là những đối tượng dễ bị tổn thương, phải đối mặt với những bất lợi và rào cản trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam; quốc gia mà họ di cư tới hay quá cảnh. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang lan rộng trên thế giới, nhiều người di cư bị mất việc làm, giảm thu nhập, nguy cơ về sức khỏe, thậm chí bị kỳ thị... trong khi các chính sách cho họ, đặc biệt là chính sách về y tế còn nhiều khoảng trống và rào cản.

Di cư không phải là bài toán của riêng một ngành nào mà là sự phối hợp chung tay của tất cả các cấp, ngành, trung ương và địa phương. Trong đó, việc thiết kế, xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe người di cư là điều cần thiết trong thời gian tới. Thông qua chương trình sẽ tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người di cư, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Từ đó, cung cấp đầy đủ bằng chứng cho can thiệp, chính sách.

“Bảo vệ nâng cao sức khoẻ người di cư là công việc mang tính xã hội, nhân văn sâu sắc. Việc xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe người di cư sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao năng lực hội nhập, hợp tác trong lĩnh vực này với các nước trong khu vực và thế giới; là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư” - ông Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Lê Chi