Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước

- Thứ Ba, 22/09/2020, 10:14 - Chia sẻ
Ngày 22.9, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu rõ, công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam. Trong quá trình này, việc huy động và sử dụng vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đầu tư công đóng vai trò tạo nền tảng vật chất kỹ thuật quan trọng cho đất nước, kiến tạo hạ tầng kinh tế - xã hội, là “đòn bẩy” đối với một số ngành và vùng trọng điểm, đồng thời thúc đẩy thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, do đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế nên bất kỳ sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng đầu tư công đều ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng mức đầu tư.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công, như: việc chậm giải ngân làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay; vốn đầu tư công thường là nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng nên việc giải ngân chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ; việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay…

Toàn cảnh hội thảo  

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Phó Tổng Kiểm toán Đoàn Xuân Tiên cho biết, công tác kiểm toán các dự án đầu tư công trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán như quy mô và tần suất kiểm toán của KTNN còn nhỏ so với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính công, tài sản công theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng. Về phạm vi kiểm toán, mặc dù KTNN đã tiến hành một số cuộc kiểm toán các dự án đầu tư ngay từ khi khởi công đến hoàn thành công trình nhưng chỉ chiếm số lượng nhỏ trong các dự án, chương trình được kiểm toán hàng năm, còn lại vẫn là kiểm toán sau. Kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề chuyên sâu còn hạn chế, nên chưa có điều kiện đi sâu, giải đáp thích đáng các vấn đề về hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư dự án…

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm đề xuất, để phát huy hơn nữa vai trò là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, đề nghị Kiểm toán nhà nước ưu tiên kiểm toán một số chuyên đề phạm vi rộng và các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng, quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về quản lý thu ngân sách và quản lý vốn đầu tư XDCB nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, góp phần giảm nợ công, phát triển kinh tế - xã hội. - Tăng cường công khai kết quả kiểm toán những lĩnh vực, vấn đề, dự án được xã hội quan tâm, các công trình bị thất thoát, lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tạo áp lực mà các đơn vị không thể né tránh,đồng thời tạo dư luận xã hội rộng rãi để Nhân dân cùng tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ, để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong đầu tư công, cần rà soát các quy định hiện hành của Nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng một cách đầy đủ, toàn diện để phát hiện các hạn chế, tồn tại nhằm từng bước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống các quy định quản lý đầu tư xây dựng theo hướng rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tế hoạt động đầu tư xây dựng trong nước cũng như phù hợp với thông lệ chung của quốc tế theo xu hướng hội nhập quốc tế và khu vực. Rà soát, điều chỉnh, các quy định hiện hành để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh công tác phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn TPCP; nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép giao kế hoạch năm phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019…

Minh Hương