Nâng cao hiệu quả chính sách tài chính trong giáo dục

- Thứ Năm, 24/09/2020, 14:46 - Chia sẻ
Sáng 24.9, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp chuyên đề “Chính sách tài chính trong giáo dục”, với sự tham gia của các Uỷ viên Hội đồng, chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạt động trong ngành giáo dục.

Phiên họp tập trung vào ba vấn đề chính: Hiệu lực, hiệu quả của chính sách tài chính trong giáo dục; Tài chính trong tự chủ đại học; Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo hằng năm của Việt Nam là tương đối lớn, xấp xỉ 20% tổng chi ngân sách cả trung ương và địa phương. Tổng chi ngân sách địa phương cho giáo dục và đào tạo (bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên) tăng liên tục hàng năm, tập trung cho các cấp học phổ thông từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Thưởng chủ trì Phiên họp
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì phiên họp

Thời gian qua, cơ chế, chính sách tài chính trong giáo dục liên tục được nghiên cứu ban hành, sửa đổi, có thể kể đến: Cơ chế và chính sách huy động các nguồn lực tài chính đầu tư phát triển giáo dục ở Việt Nam; cơ chế, chính sách hỗ trợ và bồi hoàn tài chính cho sinh viên sư phạm nhằm thu hút người tài học sư phạm và trở thành giáo viên; cơ chế, chính sách đầu tư tài chính hiệu quả cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong giáo dục và đào tạo... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật về giáo dục làm căn cứ xác định chi phí, tính giá đặt hàng dịch vụ giáo dục từ ngân sách nhà nước cũng như định giá dịch vụ cho các cơ sở giáo dục tự chủ (thí điểm tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và đẩy mạnh tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học)...

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cùng chung nhận định rằng thực tế trong bối cảnh hiện nay, tính hiệu quả của chính sách tài chính trong giáo dục chưa cao, tài chính trong tự chủ đại học còn nhiều vấn đề và việc huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo đang khá hạn chế. Đặc biệt, vấn đề tồn tại lâu nay là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong phối hợp tham gia vào quy trình lập và phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo còn khá mờ nhạt...

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Phiên họp
GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại phiên họp

Nhìn nhận vấn đề đề tài chính trong giáo dục lâu nay luôn phức tạp, nhiều ý kiến tại phiên họp đã đưa ra giải pháp nâng cao hiệu lực và hiệu quả chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo. Điều này cần được thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau liên quan đến phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả, giải pháp về nâng cao hiệu lực chi ngân sách nhà nước...

Đồng thời, phải xác định hướng ưu tiên trong phân bổ chi đầu tư cho ngành giáo dục từ trung ương xuống các địa phương, cơ cấu ngân sách cho giáo dục phải theo hướng tăng chi đầu tư. Riêng việc huy động nguồn lực tài chính cho giáo dục, cũng nên tính đến các nguồn đầu tư từ bên ngoài quốc gia, từ đó tăng cường chất lượng giáo dục, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Thái Minh