Mỹ kích hoạt điều khoản “snapback”

- Thứ Bảy, 22/08/2020, 05:55 - Chia sẻ
Đúng như đe dọa trước đó, Mỹ vừa chính thức kích hoạt điều khoản snapback (đảo ngược) nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, một bước đi có thể phá hủy hoàn toàn Thỏa thuận hạt nhân 2015. Quyết định trên được đưa ra sau khi Washington thất bại trong việc thuyết phục Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran mới đây.

Gia tăng sức ép

Theo Nghị quyết số 2231 của LHQ, lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ hết hạn vào ngày 18.10 tới. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ngày 20.8, đã đích thân tới trụ sở LHQ để gửi thư yêu cầu Hội đồng Bảo an gia hạn lệnh cấm trên. Lý do Mỹ đưa ra để quyết định kích hoạt điều khoản snapback là Iran không tuân thủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân được Tehran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga) năm 2015. Dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2018, nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng họ có quyền khởi động cơ chế này.

Nguồn: AP

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus thậm chí cho biết, Washington không chỉ muốn tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mà còn yêu cầu Iran phải ngừng tất cả hoạt động liên quan tới làm giàu urani. Nỗ lực đảo ngược snapback của Mỹ sẽ yêu cầu Iran đình chỉ tất cả hoạt động tái chế và liên quan đến làm giàu hạt nhân, bao gồm nghiên cứu và phát triển, đồng thời cấm nhập khẩu bất kỳ vật liệu gì có thể đóng góp vào những hoạt động đó hoặc phát triển hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân; tái áp dụng lệnh cấm vận vũ khí, cấm Iran phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân cũng như các lệnh trừng phạt có mục tiêu đối với nhiều cá nhân và thực thể. Các quốc gia sẽ bị thúc giục kiểm tra các chuyến hàng đến và đi từ Iran, đồng thời được phép thu giữ bất kỳ hàng hóa bị cấm nào.

Được biết, quy trình snapback cho phép bất kỳ quốc gia nào trong nhóm P5+1 có quyền đề xuất áp đặt lại lệnh trừng phạt của LHQ nếu Tehran không tuân thủ các điều khoản trong JCPOA. Sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định. Trong trường hợp các bên không thể thống nhất, lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran hiện ở mức rất thấp. Nhưng với việc cả hai đều phải đối mặt với làn sóng mới của Covid-19 và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, có nước nào quan tâm đến sự leo thang nguy hiểm hơn nữa hay không? Nền kinh tế Iran đang trở nên tồi tệ sau các lệnh trừng phạt bổ sung do Mỹ áp đặt và bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Vào tháng 3, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif từng cáo buộc Mỹ chuyển từ “khủng bố kinh tế” sang “khủng bố y tế” vì từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ Iran đối phó với sự bùng phát của virus SARS-CoV-2. Bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế nhằm giảm bớt hạn chế, Mỹ vẫn giáng đòn trừng phạt vào Iran bằng một vòng trừng phạt khác vào tháng 5.

Phản ứng từ nhiều phía

Ngay sau động thái khởi động lại cơ chế snapback của Mỹ, Ngoại trưởng Pháp, Đức và Anh - 3 quốc gia tham gia JCPOA - đã đồng loạt tuyên bố, Washington không có quyền đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Do đó, họ không thể ủng hộ yêu cầu của Mỹ trong việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran vì nó không phù hợp với nỗ lực duy trì JCPOA của châu Âu. Động thái của các nước đồng minh bên kia bờ Đại Tây dương đã vấp phải chỉ trích của Washington, đồng thời gây căng thẳng cho quan hệ hai bên. Anh và Pháp muốn bảo toàn thỏa thuận trong trường hợp Tổng thống Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới. Bởi ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden từng cho biết sẽ cố gắng khôi phục JCPOA nếu Iran trở lại tuân thủ. Châu Âu sợ rằng việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt sẽ đẩy Iran rút khỏi thỏa thuận hoàn toàn, sau đó càng nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân. Thực tế, sau khi Washington rút khỏi JCPOA vào tháng 5.2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống lại Tehran, Iran đã tuyên bố từ bỏ các nghĩa vụ chính của mình trong thỏa thuận, bao gồm việc giới hạn năng lực làm giàu urani.

Trước “sự quay lưng” của đồng minh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc người châu Âu dù đằng sau nhất trí với lo ngại của Washington nhưng lại thiếu can đảm để nói công khai. “Thay vào đó, họ chọn đứng về phía các lãnh tụ Hồi giáo Iran”, “hành động của họ gây nguy hiểm cho người dân Iraq, Yemen, Lebanon, Syria và cả chính công dân của mình”, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ phát biểu.

Trước châu Âu, Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ không đủ tư cách để đề xuất gia hạn lệnh cấm vận Iran. Còn trong phản ứng mới nhất trước hành động gia tăng sức ép của Mỹ đối với Iran, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định sẽ không chấm dứt hợp tác với Iran. Về phía Tehran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif coi hành động kích hoạt snapback là “bất hợp pháp” vì Mỹ không còn là một bên của JCPOA. Theo ông, nó sẽ “gây ra hậu quả nguy hiểm” đối với luật pháp quốc tế, cũng như làm tổn hại các cơ chế quốc tế và làm mất uy tín của Hội đồng Bảo an. Bộ Ngoại giao Iran đã gửi thư ngỏ tới Hội đồng Bảo an kêu gọi các nước thành viên phản đối hành động của Washington. Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi lạc quan cho biết: “Chúng tôi tự tin rằng sẽ không có gì xảy ra trong 30 ngày tới. Vì vậy, nỗ lực của Mỹ là vô ích”.

Linh Anh