Một nhà nước pháp quyền phải biết tôn trọng luật pháp quốc tế

- Thứ Hai, 09/06/2014, 08:39 - Chia sẻ
Trở về sau Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á tại Shangri-La, Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có bài viết đăng trên trang Project Syndicate, tái khẳng định sự ủng hộ của Nhật Bản đối với các quốc gia ASEAN trong việc bảo đảm pháp quyền trên biển.

Ở hầu hết các nước châu Á – Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế đã nuôi dưỡng tự do tư tưởng và tôn giáo, cũng như một hệ thống chính trị có trách nhiệm và ứng đáp nhanh  nhạy hơn. Mặc dù tốc độ thay đổi ở mỗi quốc gia khác nhau, nhưng ý tưởng về Nhà nước pháp quyền đã bén rễ và phát triển ở những nước này. Điều đó có nghĩa rằng, các nhà lãnh đạo chính trị của khu vực cần phải biết tôn trọng luật pháp quốc tế.

Không nơi nào nhu cầu này lại trở nên rõ ràng hơn như trong lĩnh vực luật biển quốc tế. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ chỉ trong khoảng thời gian một thế hệ. Nhưng tiếc thay, hệ quả lớn và không cân xứng của sự tăng trưởng này là xu hướng mở rộng quy mô sức mạnh quân sự. Nguồn cơn của bất ổn không chỉ đến từ mối đe dọa của vũ khí hủy diệt hàng loạt mà còn là việc sử dụng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ. Ở khu vực của chúng ta, nỗ lực này đang diễn ra chủ yếu trên biển.

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và tôi đã cùng tái khẳng định, liên minh Mỹ - Nhật sẽ là nền tảng của hòa bình và an ninh khu vực. Mỹ và Nhật Bản cũng đang tăng cường hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và toàn cầu. Thủ tướng Australia Tony Abbott và tôi đã nhất trí rằng chúng ta nên làm chính xác điều đó.

Lịch sử luật biển quốc tế rất lâu đời, bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại. Vào thời đại La Mã, các vùng biển đã được mở cửa cho tất cả mọi người, việc sở hữu cá nhân hay phân vùng bị cấm đoán. Kể từ buổi bình minh của thời đại thăm dò, nhiều người đã vượt qua các vùng biển với vô số lý do, và thương mại dựa vào biển đã kết nối các khu vực trên thế giới. Tự do trên biển đã trở thành một nguyên tắc nền tảng cho sự thịnh vượng của con người.

Thời đó, chưa có một quốc gia hay một tổ chức đặc biệt nào đặt ra luật biển quốc tế như ngày nay. Luật Biển quốc tế do đó là sản phẩm của trí tuệ tập thể của nhân loại, được nuôi dưỡng qua nhiều năm vì lợi ích của tất cả mọi người. Lợi ích của nhân loại và của quốc gia phụ thuộc rất lớn vào các vùng biển, từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, nhưng chúng ta vẫn phải bảo đảm nguyên tắc tự do hàng hải ở những vùng biển quốc tế.

Điều ấy chính xác có nghĩa lý gì? Nếu chúng ta chắt lọc tinh thần mà chúng ta truyền vào luật pháp quốc tế qua các thời đại và điều chế lại nó thành ba nguyên tắc sau đây, thì pháp quyền trên biển trở thành một vấn đề thông thường.

Đầu tiên, các quốc gia phải thực hiện và làm rõ yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai, các quốc gia không được phép sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm buộc các nước khác nhìn nhận các yêu cầu của mình. Thứ ba, các quốc gia nên tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Cả ba nguyên tắc rất đơn giản và hiển nhiên này cần phải được nhấn mạnh, bởi tất cả các Chính phủ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương phải bảo đảm chúng được thực thi một cách chặt chẽ.

Xem xét trường hợp của Indonesia và Philippines, các nhà lãnh đạo của hai nước này đã đạt được thỏa thuận hòa bình về phân định vùng đặc quyền kinh tế bị chồng lấn của họ. Tương tự như vậy, Chính phủ Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ việc Philippines kêu gọi giải pháp cho tranh chấp trên Biển Đông thực sự phù hợp với ba nguyên tắc của luật biển quốc tế, cũng giống như việc chúng tôi hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc thông qua đối thoại.

Thay vì cố gắng củng cố thay đổi hiện trạng bằng cách tạo ra một loạt những sự đã rồi, các Chính phủ trong khu vực nên thực hiện một cam kết vững chắc nhằm trở lại với tinh thần của bản Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông năm 2002, mà tất cả các bên liên quan đã thỏa thuận trước đó. Trong thế giới ngày nay, các quốc gia, kể cả các nước nhỏ, không nên lo sợ nắm đấm và những lời dọa nạt có thể thay thế được các quy định và luật pháp. Tôi rất hy vọng rằng các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc có thể nhanh chóng thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông thực sự hiệu quả.

Nhật Bản và Trung Quốc có một thỏa thuận, mà Thủ tướng lúc bấy giờ của Trung Quốc Ôn Gia Bảo và tôi đạt được trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của tôi vào năm 2007. Hai bên đã cam kết thiết lập cơ chế thông tin liên lạc hàng hải và hàng không nhằm ngăn chặn sự cố không lường trước giữa hai nước do sự căng thẳng và tính toán sai lầm gây ra. Thật không may, cam kết này chưa được đưa vào thực hiện. Chúng tôi không mong muốn một cuộc đụng độ hàng không hay hàng hải nguy hiểm nào. Những gì mà Nhật Bản và Trung Quốc cần trao đổi là ngôn từ. Chẳng phải chúng ta nên gặp nhau tại bàn đàm phán, trao đổi những nụ cười, những cái bắt tay và cùng ngồi xuống thảo luận hay sao?

Tôi tin rằng, thông qua thỏa thuận năm 2007 sẽ thúc đẩy sự nghiệp hòa bình và ổn định trong toàn khu vực. Nhưng tôi cũng biết rằng việc bảo đảm an ninh lâu dài sẽ đòi hỏi cần thêm nhiều các hiệp định nữa, và mỗi hiệp định là một sợi dây quan trọng trong mạng lưới của tự do và thịnh vượng trên toàn khu vực.n

Thanh Chi dịch