Phát triển dịch vụ thẻ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn

Một mũi tên, nhiều đích đến

- Thứ Bảy, 15/08/2020, 08:07 - Chia sẻ
Bằng việc phát triển dịch vụ thẻ thanh toán không dùng tiền mặt khu vực tam nông, Agribank không chỉ giúp người dân khu vực này đến với các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại; đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen mà còn là bước hội nhập hiệu quả trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 bùng nổ mạnh mẽ cũng như thích ứng trước những biến đổi khó lường của thời tiết, dịch bệnh. Tuy nhiên, để việc thanh toán này trở nên phổ biến, không phải là chuyện một sớm, một chiều…

80% chi tiêu hàng ngày đều dùng tiền mặt

Lâu nay, việc thanh toán, giao dịch bằng tiền mặt đã trở thành thói quen cố hữu của đông đảo người tiêu dùng, nhất là trong các chi tiêu hàng ngày. Ngay tại Hà Nội - nơi có hạ tầng trạm, POS thanh toán hiện đại; hệ thống phòng giao dịch dày đặc và người dân luôn đi đầu trong việc tiếp cận các công nghệ mới cũng vẫn sử dụng tiền mặt thanh toán là chủ yếu. Nhiều người cho rằng, thanh toán bằng tiền mặt nhanh, dễ kiểm soát, không lo ngại vấn đề an toàn, bảo mật…

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2017 cho thấy, 40% người Việt có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt; 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền; tỷ lệ này giảm xuống còn 80% vào năm 2018…

World Bank cũng chỉ ra, 60% dân số ở khu vực nông thôn Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng và gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính. Tại khu vực nông thôn, số lượng điểm giao dịch ngân hàng thương mại bình quân chỉ có 2,2 điểm/khu vực hành chính nông thôn nhưng tại các quận/thành phố/thị xã, con số này xấp xỉ 40 điểm giao dịch - chênh lệch nhau 18 lần. Số liệu này đặc biệt thấp tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc (0,7 điểm giao dịch/huyện) và khu vực duyên hải miền Trung (1,3 điểm giao dịch/huyện).

Mặc dù, thời gian gần đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã chứng minh những tiện ích của nó đối với cả người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng và tổng thể nền kinh tế bởi tính sự nhanh chóng, an toàn khi giao dịch; giảm các chi phí in ấn tiền, vận chuyển và kiểm đếm hay bảo quản tiền; giảm lạm phát khi lượng tiền mặt lưu thông giảm; đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thanh toán không dùng tiền mặt thực sự là lựa chọn an toàn và thuận lợi nhất cho các giao dịch từ vài chục nghìn đến vài chục tỷ đồng, thậm chí lớn hơn thế. Song, trên thực tế, để tạo thói quen không dùng tiền mặt trong thanh toán không phải là vấn đề đơn giản; cũng không thể một sớm, một chiều có thể giải quyết.

Ngày càng có nhiều người dân ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa đến đăng ký dùng thẻ thấu chi  

Khó cũng phải làm!

Khách hàng là cá nhân người Việt Nam sinh sống và/hoặc có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn được phát hành thẻ ghi nợ success và cho vay thấu chi trên tài khoản thanh toán phát hành thẻ với hạn mức lên tới 30 triệu đồng và thời hạn cấp thấu chi là 12 tháng kể từ ngày phê duyệt cho vay… Các tổ chức, cá nhân cung ứng hàng hóa, dịch vụ hợp pháp trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được trở thành Đơn vị chấp nhận thẻ của Agribank, được trang bị POS miễn phí, miễn phí chiết khấu trong trường hợp thanh toán cho khách hàng sử dụng thẻ thuộc diện triển khai của Đề án và nhiều chính sách hấp dẫn khác.

Đó vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của Agribank khi thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp nông thôn; đặc biệt là Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trên thực tế, nền kinh tế ngày càng phát triển; công nghệ 4.0 ngày một bùng nổ mạnh mẽ thì thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của thị trường tài chính, nhất là đối với các giao dịch có giá trị lớn. Đón trước xu thế đó, Agribank - với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp cả nước, các chi nhánh trong toàn hệ thống đã có nhiều hoạt động phối hợp với địa phương, tổ trưởng vay vốn để khảo sát nhu cầu của bà con nông dân, tìm nhu cầu thực sự để nâng cao hiệu quả khoản vay.

Sau 9 tháng, kể từ thời điểm triển khai, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, đối tượng đặc thù nhưng với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại, đặc biệt là lòng yêu nghề và am hiểu địa bàn của từng cán bộ Agribank, Đề án phát triển dịch vụ thẻ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn đã bước đầu phát huy được tính hiệu quả. Với lợi thế về chính sách hỗ trợ sâu, rộng và thủ tục đơn giản, linh hoạt. Agribank đã thu hút sự nhập cuộc của hơn 112.000 khách hàng khu vực nông thôn với gần 1.800 POS được lắp đặt mới; hạn mức thấu chi đã cấp gần 400 tỷ đồng và dư nợ thấu chi tài khoản đạt gần 300 tỷ đồng.

Hiện, khu vực nông nghiệp, nông thôn trên toàn quốc có khoảng hơn 5.000 POS của Agribank, bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,…), các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản và các tiệm tạp hóa. Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục trang bị, mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với bà con, đơn giản hóa các khoản chi tiêu, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Với sự hưởng ứng của bà con nông dân cùng tốc độ phát triển thẻ của các chi nhánh Agribank như hiện nay, chắc chắn mục tiêu trên sẽ sớm hoàn thành.

Đức Kiên