Mỗi trường được quyền tự chọn sách giáo khoa phù hợp

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 23:41 - Chia sẻ
Năm học 2020-2021, lớp 1 sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, dựa theo những tiêu chí quy định, mỗi trường được quyền tự chọn sách giáo khoa phù hợp trên nguyên tắc thận trọng, công khai, minh bạch, tôn trọng từng lá phiếu của hội đồng trường.

Phát huy quyền tự chủ

Đến thời điểm này, các trường trên quận Hà Đông nó riêng, Hà Nội nói chung đã hoàn tất việc chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 và đang báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong 5 bộ sách với 46 đầu sách, có 4 bộ sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”; còn lại là bộ sách của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh mang tên “Cánh diều”.

Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK, ngay từ sau Tết Nguyên đán, phòng đã triển khai các văn bản và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa tới các trường, yêu cầu các trường khẩn trương tổ chức nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo đúng tiến độ. Phòng đã liên hệ, tạo điều kiện tối đa để các nhà xuất bản có thể chuyển đầy đủ các bản mẫu sách giáo khoa của 5 bộ sách trong danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tới các nhà trường, giúp các trường phát huy quyền tự chủ trong việc lựa chọn sách.

Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” - Trang bị những kiến thức nền tảng có thể phát triển phẩm chất và năng lực học sinh 

Đến nay, tất cả các trường đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, dân chủ, đúng quy trình. Theo thống kê của quận Hà Đông, trong 5 bộ sách thì có 3 bộ sách được lựa chọn nhiều nhất gồm: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Cánh diều” và “Cùng học để phát triển năng lực”. Có trường chỉ chọn một bộ sách giáo khoa, cũng có trường chọn các đầu sách từ nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Và đúng theo tinh thần đã đặt ra, tại Hà Đông, tất cả các ý kiến, sự lựa chọn từ các trường đều được tôn trọng, trên cơ sở đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc, bám sát các quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, cũng như tiêu chí của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng cho rằng, việc các trường được chủ động lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ góp phần nâng cao tính tự chủ trong công tác giáo dục, đào tạo. Đây là cơ hội để các trường học phát huy quyền tự chủ, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi mỗi nhà trường phải thực hiện nghiêm túc, minh bạch. “Cùng với việc lựa chọn được sách, thì sẽ phải tiếp tục tập huấn cho đội ngũ giáo viên, sẵn sàng tiếp cận và có phương pháp dạy phù hợp. Đặc biệt là trong bối cảnh các bộ sách được lựa chọn cũng kế thừa chương trình trường học mới đã triển khai trước kia, quan tâm nhiều hơn tới phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh” – bà Hằng khẳng định.

Chọn sách giáo khoa, quan trọng hơn cả là phải có “dư địa” để giáo viên có thể đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh. Giáo viên cần lưu ý đến thiết kế, trình bày theo chủ đề, bài học; việc tích hợp kiến thức nội môn và liên môn theo các chủ đề; xây dựng kế hoạch đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục, hoạt động giáo dục… Muốn vậy, nhà trường không thể “đóng đinh” học theo sách cố định mà trao quyền chọn sách nào để thầy cô thỏa sức sáng tạo.

Quyết tâm tìm những lá phiếu chất lượng

Với mục tiêu đặt quyền lợi của học sinh lên cao nhất, các đơn vị, nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp thành viên hội đồng lựa chọn sách có thể tiếp cận nhiều nhất với từng bản mẫu sách, từ đó có những lá phiếu chất lượng, giúp học sinh được học những cuốn sách phù hợp để phát triển toàn diện cả kiến thức và kỹ năng.

Để có lá phiếu chất lượng, theo bà Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), ngoài các tổ trưởng chuyên môn, nhà trường lựa chọn toàn bộ giáo viên khối lớp 1 vào trong hội đồng, bởi hơn ai hết đây là những đội ngũ có nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ về chương trình. Giáo viên các khối lớp khác cũng phải tham gia góp ý, nhận xét. Ngoài ra, trường còn huy động phụ huynh học sinh cùng tham gia tìm hiểu, lựa chọn sách. Cách thức này hạn chế được việc bỏ phiếu mang tính hình thức, bởi đây vừa là vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao của cả giáo viên và phụ huynh.

"Trên tinh thần không áp đặt, tôn trọng mọi quyết định lựa chọn của các thành viên hội đồng, giáo viên, phụ huynh, chúng tôi tin tưởng rằng các trường sẽ lựa chọn được bộ sách phù hợp với mình. Đặc biệt là đới với 5 bộ sách mới này, so với bộ sách cũ thì từ hình thức cho tới nội dung hơn hẳn: nhiều tranh, ảnh đẹp, cấu trúc phù hợp, cấu trúc từng bài dạy cũng phù hợp, chắc chắn học sinh sẽ thích thú học hơn".

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng

“Việc lựa chọn sách được hội đồng nghiên cứu rất kĩ, mỗi cá nhân tham gia đều được viết báo cáo nêu ý kiến, viết phiếu nhận xét từng bộ sách, bày tỏ quan điểm của mình. Chúng tôi cũng tiến hành phỏng vấn tại sao lựa chọn bộ này mà không chọn bộ kia, và các giáo viên cũng đã nêu ý kiến rất rõ ràng. Bản thân trường cũng ý thức sâu sắc việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 sẽ quyết định đến chất lượng dạy và học, nên đã phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc ngay từ đầu, tránh bị động về sau. Yêu cầu xuyên suốt được các nhà trường quán triệt là hướng đến việc phát triển toàn diện cho học sinh” – bà Mai cho biết.

Cũng theo bà Thanh Mai, để khắc phục hạn chế do số lượng bản sách ít, nhà trường động viên giáo viên tập trung nghiên cứu các bản sách điện tử. Cách thức này giúp giáo viên có thể tận dụng thời gian ở mọi nơi để đọc, nghiên cứu. Với mong muốn chọn ra được những cuốn sách phù hợp nhất, nhà trường lưu ý giáo viên khi đánh giá từng cuốn sách không chỉ quan tâm đến nội dung kiến thức, mà còn xác định rõ từng môn học có tích hợp nội dung gì, phát triển những kỹ năng nào cho học sinh, có phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường hay không…

Theo đó, hội đồng trường yêu cầu những người trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn SGK nghiên cứu về nội dung cũng như là hình thức của từng cuốn sách, từng bộ sách của từng nhà xuất bản để nắm vững được nội dung chương trình để chuẩn bị cho các em học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 sẽ được học gì và tiếp cận như thế nào từ đó trang bị cho mình kiến thức cũng như phương pháp đáp ứng được chương trình giảng dạy đối với học sinh. Để có lựa chọn tốt nhất, từng cuốn SGK được các thầy cô đem ra trao đổi, thảo luận để, chọn được đúng bộ sách phù hợp với kiến thức mà các em tiếp thu được cũng chuẩn tạo thuận lợi cho năm học sau.

Chi An