Chính sách và cuộc sống

Mọi chìa khóa đều trong tay Chính phủ

- Thứ Bảy, 09/05/2020, 08:18 - Chia sẻ
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đến trong bối cảnh rất đặc biệt bởi những thách thức mà dịch Covid-19 gây ra với nền kinh tế nước nhà. Một thông điệp đúng đắn đã được Thủ tướng truyền đi ngay trước khi hội nghị diễn ra: Cuộc gặp không phải là nơi doanh nghiệp “kêu khó” mà là nơi bàn giải pháp, tìm hướng đi mới cho dài hạn, mà những vấn đề mang tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn vốn dĩ đã được thảo luận.

Điểm “hay” của Covid chính là đại dịch lần này đã bộc lộ rõ những vấn đề của nền kinh tế - trong bối cảnh mới của cạnh tranh địa chính trị toàn cầu; khúc quanh mới của toàn cầu hóa và nhu cầu định hình lại vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế - chính trị thế giới. Và những pháp mà các bộ, ngành, doanh nghiệp, giới chuyên gia đạt được sự đồng thuận tương đối cao vẫn còn nguyên tính thời sự ngay trong thời điểm này.

Trước hết, chuyển hướng mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế công nghệ nên là ưu tiên lớn của Chính phủ. Thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, công nghệ tài chính vốn đã đạt được những bước tiến bộ trong thời gian qua và chứng minh vai trò trụ đỡ quan trọng trong 3 tháng gần đây góp phần giảm thiểu những gián đoạn của kinh tế truyền thống. Nhưng nền tảng cho một nền kinh tế số vẫn chưa vững chắc. Sự vững chắc đó không phải đến từ phía khu vực doanh nghiệp mà đến ngay từ chính sách: Các quy định pháp luật và cách thức quản lý nhà nước vốn áp dụng cho nền kinh tế “vật lý” không còn phù hợp cho môi trường số và tính “phi biên giới quốc gia”. Những khung khổ pháp lý mới cho công nghệ, cho tiền điện tử, cho kinh tế chia sẻ, cho công nghiệp nội dung số - vừa hướng vào thúc đẩy doanh nghiệp; bảo vệ an toàn số cho người dùng - cần gấp rút được xây dựng. Và “bóng” thực chất đang nằm trong tay Chính phủ.

Thứ hai, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã hình thành rõ nét ngay cả trước khi đại dịch bắt đầu sẽ tăng tốc. Việt Nam có cơ hội đón làn sóng thoái lui khỏi Trung Quốc. Nhưng thách thức - vốn cũng là vấn đề "khổ lắm, nói mãi" - lại cũng chính nằm ngay trong bộ máy nhà nước: Nút thắt hạ tầng cho nền kinh tế, từ giao thông, đến năng lượng; và môi trường, đặc biệt là quản trị đô thị và duy trì chất lượng môi trường sống. Chìa khóa đã được chỉ ra: Tăng tốc giải ngân đầu tư công trong ngắn hạn cho các dự án hạ tầng và thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án hợp tác công - tư trong dài hạn. Cả hai chiếc chìa khóa này đều nằm trong tay Chính phủ.

Và điểm quan trọng thứ ba, khu vực nông nghiệp - trụ đỡ của quốc gia, của mọi nền kinh tế trong các cơn khủng hoảng. Những yếu kém của khu vực nông nghiệp nên được nhìn nhận thẳng thắn là do năng lực của doanh nghiệp, của nông dân trong nước chứ không phải do thiếu thị trường xuất khẩu hay do người tiêu dùng nội địa trong đó, điểm cốt yếu nhất là sản phẩm nông nghiệp kém an toàn - lạm dụng các chất hóa học từ phân bón, thuốc trừ sâu. Mà duy trì hệ thống an toàn về chất lượng, rốt cuộc cũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước - từ ba ngành công thương, nông nghiệp, y tế.

Thủ tướng Chính phủ đã chọn hướng tiếp cận đúng cho hội nghị: Không kêu khó kêu khổ nữa mà tìm giải pháp. Về ngắn hạn, những gì làm được thực chất Chính phủ đã làm: Từ các gói hỗ trợ; đến quyết tâm mở cửa lại sản xuất an toàn. Nhưng dài hạn, trọng tâm vẫn quay về các bài toán chính sách và thể chế. Một lần nữa, trách nhiệm của người đứng đầu, điều phối các bộ ngành vượt qua được những lợi ích riêng trong xây dựng khuôn khổ pháp lý cho kinh tế số; tiếp tục nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách giấy phép và điều kiện kinh doanh; tiếp tục cải cách các nền tảng của kinh tế thị trường - vẫn là kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp với Chính phủ.

Hà Lan