Mổ tai dị tật cho trẻ bằng phương pháp mới

- Thứ Năm, 07/11/2019, 19:09 - Chia sẻ
Sau 2 năm chủ động nghiên cứu, thực hành, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ứng dụng thành công phương pháp mới khắc phục đôi tai dị tật chi phí rẻ, hiệu quả, nhanh.

Theo Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bệnh nhân bị dị tật đôi tai: bẩm sinh hoặc mắc phải do tai nạn, bỏng; dị tật tai nhỏ bẩm sinh (microtia) khiến cho bệnh nhân không có một phần hoặc toàn bộ vành tai (anotia). “Bệnh lý này tuy không nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, nhưng có thể để lại ảnh hưởng lớn về mặt thẩm mỹ và tâm lý, nhất là đối với trẻ em trong lứa tuổi trước đến trường” - bác sĩ Hà nói.

Y học hiện đại chỉ đang áp dụng hai phương pháp tạo hình vành tai phổ biến gồm tạo hình vành tai bằng sụn sườn tự thân và tạo hình vành tai bằng khung sụn nhân tạo. Song, cả hai phương pháp đều có hạn chế và tỷ lệ biến chứng nhất định.

Đối với phương pháp sử dụng sụn sườn tự thân, bệnh nhân sẽ được các phẫu thuật viên cắt chính phần sụn ở lồng ngực để điêu khắc lại thành khung sụn hình vành tai. Phương pháp này yêu cầu bệnh nhân phải chờ đợi điều trị trong thời gian dài, phẫu thuật nhiều lần, ít nhất từ 2 đến 3 lần mổ lớn, khiến bệnh nhân phải chịu nhiều nguy cơ biến chứng khi gây mê toàn thân và phẫu thuật.

Còn phương pháp tạo hình vành tai bằng khung sụn nhân tạo giống san hô, có ưu điểm giúp bệnh nhân chỉ phải phẫu thuật một lần, trẻ nhỏ từ 4-5 tuổi đã có thể thực hiện và kết quả thẩm mỹ vượt trội hơn so với phương pháp thứ nhất.

Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là tốn kém do khung sụn nhân tạo đắt tiền, chưa được bảo hiểm y tế chi trả khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc chạy chữa bệnh.

Sau 2 năm nghiên cứu, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ của Bệnh viện nỗ lực cải tiến phương pháp bằng nhiều cách khác nhau. Kết quả, họ thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tạo hình tai nhỏ bằng sụn sườn tự thân chỉ với duy nhất một lần phẫu thuật, sử dụng nội soi hỗ trợ. Đây cũng là kỹ thuật khó trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, cho đến nay mới chỉ một số ít trung tâm trên thế giới có thể thực hiện thường quy.

Trong kỹ thuật mới, các bác sĩ vẫn sử dụng sụn sườn của chính bệnh nhân để làm thành khung tai. Điểm mới của phương pháp đó là sử dụng bằng vạt cân thái dương nông để che phủ khung sụn, đồng thời, các bác sĩ chỉ cần phẫu thuật một lần duy nhất giúp bệnh nhân có được vành tai mới bình thường thay vì yêu cầu bệnh nhân phải chờ đợi, phải trải qua các lần đại phẫu đầy rủi ro.

“Điểm khó khăn nhất của phẫu thuật này là che phủ toàn bộ khung sụn bằng vạt cân thái dương nông. Chỉ cần một phần nhỏ khoảng 1 - 2 mm bị lộ, cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử gây mất toàn bộ khung sụn. Một điểm khó khăn khác đó là các bác sĩ phải lấy được vạt cân thái dương đủ điều kiện, đủ mạch máu mà không để lại sẹo mất thẩm mỹ của bệnh nhân, không gây ra biến chứng, đảm bảo vạt cân sống tốt và che phủ toàn bộ khung sụn tránh không bị thải loại... Một sơ suất nhỏ gây tổn thương bất kỳ một nhánh mạch nào cũng có thể dẫn đến hoại tử” - bác sĩ Hà chia sẻ. Nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật nội soi, các bác sĩ có thể khắc phục được hạn chế của phương pháp mổ cũ, giảm nguy cơ biến chứng: Lấy được toàn bộ cân thái dương nông mà không phải rạch thêm đường sẹo, không gây mất thẩm mỹ. Đồng thời, kỹ thuật nội soi giúp phóng to các mạch máu nhỏ li ti như sợi tóc trên màn hình, để bác sĩ có thể quan sát kỹ, giúp bảo tồn toàn bộ các nhánh mạch máu nhỏ này đảm bảo cho vạt cân có thể sống được hoàn toàn. Việc tích hợp ưu điểm của cả hai phương pháp phẫu thuật thịnh hành nhất trên thế giới đã tạo ra một cơ hội mới cho các các bệnh nhân trong điều kiện của Việt Nam.

Kim Anh