Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Mở rộng phạm vi thông tin

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:25 - Chia sẻ
Mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi là một trong những chính sách được đề xuất tại Đề nghị xây dựng Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, chính quyền cấp xã công khai về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sơ đồ tổ chức của các cơ quan, đơn vị, bộ phận của chính quyền cấp xã; thủ tục, quy trình giải quyết công việc của cán bộ, công chức cấp xã; phân công công việc; lịch làm việc; lịch hẹn... tại trụ sở xã.

Thiếu các biện pháp bảo đảm

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, Pháp lệnh số 34/2007 còn quy định sơ sài về trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu về việc tuân thủ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, khi có vi phạm xảy ra, bị phát hiện, tính kịp thời trong xử lý vi phạm về thực hiện dân chủ ở cơ sở còn hạn chế, bị động, thiếu nghiêm minh và căn cứ để xử lý.

Báo cáo tổng kết thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn do UBTVQH ban hành cho thấy, sau 13 năm triển khai các văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền dân chủ và phát huy dân chủ trong nhân dân; phát huy dân chủ trong nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện, Pháp lệnh số 34/2007 đã thể hiện nhiều điểm không còn phù hợp. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, nhiều luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, trong đó có những quy định liên quan đến thực hiện dân chủ (như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…). Các đạo luật được ban hành sau Pháp lệnh số 34/2007 đã thể hiện tinh thần dân chủ hóa, công khai hóa hoạt động của chính quyền các cấp từ Trung ương tới cơ sở mạnh mẽ hơn so với quy định của Pháp lệnh số 34/2007. Do đó, một số quy định tại Pháp lệnh số 34 chưa đồng bộ, thống nhất hoặc không còn phù hợp với một số quy định trong hệ thống pháp luật.

Báo cáo của MTTQ các địa phương và ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý cho thấy, phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh số 34/2007 là chưa đầy đủ, mới chỉ trong phạm vi những nội dung dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra mà chưa có quy định rất quan trọng là "dân hưởng thụ". Đơn cử, Điều 5, Điều 6 Pháp lệnh số 34/2007 quy định về những nội dung công khai để nhân dân biết và hình thức công khai chưa đủ, bởi còn nhiều nội dung diễn ra trên thực tế tại cơ sở chưa quy định phải công khai. Mặt khác, nội dung, hình thức công khai được quy định trong Pháp lệnh 34/2007 chưa được đầy đủ nhất là các hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, hình thức công khai quy định tại Điều 6 cũng không còn phù hợp với điều kiện phát triển của khoa học, công nghệ hiện nay.

Hay, một số quy định tại Pháp lệnh số 34/2007 chưa được bảo đảm khả thi trong thực tế. Cụ thể, Pháp lệnh 34/2007 có quy định về những vấn đề dân bàn, quyết định trực tiếp như: Chủ trương, mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí. Việc bàn, quyết định trực tiếp thông qua các cuộc họp hoặc phát phiếu và nếu số lượng người tán thành chưa đạt quá 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố hoặc trong toàn cấp xã thì tổ chức lại cuộc họp. Quy định này khó bảo đảm tính khả thi đối với các khu dân cư có đặc điểm đặc thù như con em hoặc gia đình, lao động nông thôn đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc không có người đại diện tham gia các cuộc họp tại thôn, tổ dân phố.

Cần mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi  

Nguồn: INT 

Mở rộng phạm vi thông tin

Một trong những chính sách đáng chú ý là Dự thảo mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi. Theo đó, quy định công khai về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sơ đồ tổ chức của các cơ quan, đơn vị, bộ phận của chính quyền cấp xã; thủ tục, quy trình giải quyết công việc của cán bộ, công chức cấp xã; phân công công việc; lịch làm việc; lịch hẹn; số điện thoại; số fax; địa chỉ email của cán bộ, công chức giải quyết công việc được phân công liên quan đến nhân dân; địa chỉ, trụ sở của cơ quan; địa điểm và người có thẩm quyền giải quyết công việc của công dân. Quy định công khai thông tin mà chính quyền cấp xã nhận được từ các cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và thông tin có liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Dự thảo cũng quy định mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi (so với hiện nay), bổ sung các thông tin chính quyền cấp xã có thể quyết định công khai cho nhân dân. Theo đó, bổ sung hình thức công khai thông tin so với hiện nay là hình thức đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của HĐND, UBND cấp xã; công khai thông tin thông qua việc lấy ý kiến nhân dân, cơ chế đối thoại, tiếp công dân của UBND cấp xã; đồng thời công khai thông tin bằng các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định; bổ sung các hình thức công khai thông tin tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của đối tượng là người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của chính quyền cấp xã, trong việc giải trình, tổ chức đối thoại trong trường hợp ban hành quyết định hành chính bất lợi cho đối tượng thi hành, đồng thời quy định trách nhiệm cơ quan nhà nước cấp trên ban hành quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích cộng đồng phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại địa bàn xã. Đồng thời, quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nhà nước khi chưa làm tròn trách nhiệm, có sai phạm trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nguyễn Minh