Chính sách và cuộc sống

Minh bạch tối đa!

- Chủ Nhật, 22/09/2019, 07:55 - Chia sẻ
Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án được thực hiện theo phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) là một trong những nội dung trọng tâm của dự án Luật PPP sẽ được trình QH tại Kỳ họp thứ Tám tới.

Quá trình chuẩn bị và triển khai dự án PPP vừa qua ở nước ta vừa qua cho thấy, có quá nhiều cơ quan được phân cấp thực hiện các nhiệm vụ liên quan như lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt tài liệu đấu thầu và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư... Tuy nhiên, công tác quản lý đối với các dự án PPP nhìn chung còn thiếu chặt chẽ, một số cơ quan có trach nhiệm còn buông lỏng chức năng, nhiệm vụ. Công tác thẩm định dự án PPP vẫn chỉ được coi là một thủ tục trong quy trình, không gắn với trách nhiệm phải bảo đảm tính hiệu quả đầu tư của dự án cũng như tính khả thi của phương thức PPP, đặc biệt là đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất.

Không chỉ ở khâu thẩm định mà thực tế các giai đoạn đầu tư dự án PPP “đều có vấn đề”. Như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã tổng kết ngắn gọn tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH: Giai đoạn 1, chuẩn bị đầu tư không đến nơi đến chốn nên hệ lụy kéo theo sau. Giai đoạn 2, lựa chọn nhà đầu tư, không phải là dự án BOT hay dự án PPP mà dự án đầu tư công bình thường vẫn phải đấu thầu, hiện nay cơ bản thực hiện theo Luật Đấu thầu nhưng cũng làm không chặt chẽ. Giai đoạn 3, thành lập doanh nghiệp và ký hợp đồng PPP. Các giai đoạn này không chuẩn dẫn đến giai đoạn 4 là giai đoạn thực hiện dự án cũng không chuẩn và hệ lụy cứ kéo theo mãi, rồi bảo lãnh, rồi cấp trên phải can thiệp, đủ mọi thứ... Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước nhiều trường hợp lại “tiến thoái lưỡng nan”, “đá bóng trách nhiệm” cho nhau, kể cả khi nhà đầu tư không tuân thủ các cam kết trong hợp đồng dự án về tiến độ góp vốn, chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án bị chậm trễ, tăng chi phí dự án... cũng lúng túng trong cách xử lý, giải quyết.

Để khắc phục những bất cập hiện nay, hai chính sách cơ bản về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP đã được đưa ra trong dự luật PPP. Chính sách thứ nhất là xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của tất cả các bên trong quá trình thực hiện dự án, bao gồm cả các cơ quan hậu kiểm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc thực hiện dự án PPP. Trong đó, các bên liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện dự án được xác định bao gồm đơn vị chuẩn bị dự án; cơ quan thẩm định dự án; cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án; bên mời thầu; cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng; đơn vị giám sát, quản lý hợp đồng; cơ quan hậu kiểm.

Bên cạnh đó, có một thực tế là phía Nhà nước, tuy là một bên ký kết hợp đồng, nhưng trong một số trường hợp lại sử dụng quyền lực nhà nước, bằng các quyết định hành chính để gây áp lực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Vì thế, dự luật cũng phân định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện cho Nhà nước ký kết hợp đồng để phân biệt với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và vai trò là một bên trong hợp đồng PPP. Gắn liền với trách nhiệm của các bên, chính sách thứ hai được đưa ra là chế tài xử lý đối với các đối tượng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong dự án PPP, quy định một chương riêng về các hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP và chế tài tương ứng đối với từng hành vi.

 “Gia cố” trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các dự án PPP ở tất cả các khâu là một trong những vấn đề cốt lõi để khắc phục được những tồn tại vừa qua, bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án PPP. Dù vậy, thiết kế các điều khoản về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP cũng cần bảo đảm rằng, các quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý phải được minh bạch hóa tối đa, phải bình đẳng giữa các bên liên quan và phải đề cao nguyên tắc tuân thủ, tôn trọng hợp đồng PPP.

Nguyễn Bình