Minh bạch, kỷ luật chi tiêu công

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 06:00 - Chia sẻ
Trong khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế - tài chính đất nước, bộ máy Nhà nước triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu công, thì một trong những thông tin khiến dư luận không khỏi “ sốc” là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa ra thông báo về kết quả xem xét, xử lý kỷ luật Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm tại huyện Yên Định về việc mắc “nợ miệng” lên đến 50 tỷ đồng.

Câu chuyện ăn uống vốn rất tế nhị vì liên quan đến nhu cầu của mỗi con người. Nhưng chuyện ăn uống liên quan đến “người Nhà nước”, ở chốn quan trường bỗng dưng lại trở nên ồn ào, gây phản cảm trong dư luận xã hội như ở huyện Yên Định, Thanh Hóa thì thật đáng buồn. Cụ thể, vừa qua 9 cán bộ, nguyên cán bộ, trong đó chủ yếu là những người nắm giữ các chức vụ chủ chốt của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định bị kỷ luật về Đảng do để 2 cơ quan mắc nợ hơn 50 tỷ đồng, hầu hết là nợ ăn uống, tiếp khách. Chủ nợ - không ai khác, chính là hàng trăm người lao động, cán bộ nhân viên Huyện ủy, UBND huyện Yên Định. Trong quá trình làm việc, phục vụ, họ đã bỏ tiền túi ra thanh toán cho cơ quan, nhưng không được cơ quan thanh toán, quyết toán trả nợ.

Việc ghi sổ “nợ miệng” của cán bộ cơ quan Nhà nước không mới, trước đó nhiều vụ nợ do tiếp khách của các địa phương đã từng được dư luận, truyền thông báo chí “điểm mặt chỉ tên” như: vụ nợ ở UBND xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội; UBND xã Quang Thái, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, HĐND tỉnh Gia Lai, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương... vì lý do “phải” đón tiếp quá nhiều đoàn khách Trung ương và các địa phương “đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác”.

Dư luận cho rằng: Số tiền nợ của các địa phương nêu trên ít thì một vài trăm triệu, có đơn vị nhiều lên đến 3,2 tỷ đồng như HĐND tỉnh Gia Lai đã được cho là quá thể, không thể chấp nhận, đằng này tổng số tiền “nợ miệng” của 2 cơ quan huyện Yên Định lên đến hơn 50 tỷ đồng thì không còn điều gì để nói! Không biết ở những địa phương này, cán bộ họ làm công bộc của dân, hay chỉ là những anh “chúa chổm” nhậu???

Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng đã yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải: “Khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan”, “gặp mặt” không lành mạnh, với động cơ không trong sáng... Luật Ngân sách Nhà nước cũng đã có những quy định nghiêm ngặt về thu, chi. Theo đó các cơ quan, đơn vị quản lý chi ngân sách nhà nước buộc phải chặt chẽ tuân thủ theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức... Nếu tất cả cơ quan nhà nước thực hiện đúng những quy định trên thì chắc chắn không có chuyện “chúa chổm” công quyền, gây tiếng xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.

Thiết nghĩ, trong khi ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương còn nghèo, thậm chí có nơi hàng năm đều xin Trung ương “cứu đói”, mà cán bộ cứ rình rang đi nhà hàng, quán xá để nhậu nhẹt; không hiếm cơ quan, địa phương vẫn “vung tay quá trán” chi tiêu tiếp khách, hội họp... là điều không nên. Địa phương nghèo mà hậu hĩnh đãi khách vô hình trung là có tội với nhân dân, vì từng đồng ngân sách nhà nước là từ tiền thuế đóng góp của nhân dân. Các đơn vị cũng cần minh bạch hóa chi tiêu, siết kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước - làm được những điều này chắc chắn sẽ chặn đứng tình trạng chi tiêu vô tội vạ, không đúng nguyên tắc tài chính của những “chúa chổm” công như thời gian vừa qua.

Hải Thanh