Chính sách và cuộc sống

Lượng tuy cần nhưng chất quan trọng hơn

- Thứ Năm, 23/07/2020, 17:57 - Chia sẻ
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố trong “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020”, tính đến ngày 31.12.2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với năm 2018. Số doanh nghiệp đang hoạt động của năm 2018 cũng tăng 9,2% so với năm 2017. Điều này cho thấy số lượng doanh nghiệp đang hoạt động ngày một nhiều hơn, tuy nhiên những doanh nghiệp này có kết quả sản xuất kinh doanh như thế nào mới là điểm mấu chốt.

Năm 2019 chưa có số liệu về kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động. Những năm trước đó, trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp có kết quả sản xuất - kinh doanh chỉ chiếm khoảng 85%. Những doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh có kết quả sản xuất, kinh doanh như thế nào mới là điều quan trọng hơn nữa.

Tính toán từ số liệu trong Sách trắng cho thấy, giá trị gia tăng theo giá cơ bản (bằng thu nhập của người lao động cộng với lợi nhuận trước thuế) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) năm 2017 chiếm 46% GDP và năm 2018 tỷ lệ này giảm 2 điểm phần trăm còn 44% GDP. Hai điểm phần trăm này cơ bản do khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1 điểm phần trăm và doanh nghiệp FDI giảm 1 điểm phần trăm.

Bình quân giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ giá trị gia tăng theo giá cơ bản so với doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp bình quân là 10,3% và có nhích lên một chút trong giai đoạn 2016 - 2018, đạt 11%. Đáng chú ý, nếu tính riêng năm 2018, tỷ lệ này lại sụt giảm và quay về gần như giai đoạn 2011 - 2015.

Trong đó, xét về quy mô doanh nghiệp thì khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có tỷ lệ giá trị tăng thêm so với doanh thu thuần ổn định trong cả khoảng thời gian 2011 - 2018; doanh nghiệp siêu nhỏ tỷ lệ này có xu hướng tăng lên, từ 7,9% trong giai đoạn 2011 - 2015 lên 8,9% trong các năm 2016 - 2018. Xét theo loại hình doanh nghiệp, không có gì ngạc nhiên, doanh nghiệp FDI có tỷ lệ giá trị tăng thêm so với doanh thu thuần cao nhất, đạt trên 14% trong cả giai đoạn 2011 - 2018.

Tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực doanh nghiệp thấp như vậy do hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cơ bản là gia công lắp ráp, hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp. Dù doanh nghiệp có hợp đồng gia công hay tự sản xuất thì cũng chủ yếu mang tính gia công, nguyên vật liệu đầu vào hầu hết phải nhập khẩu.

Cũng từ Sách trắng doanh nghiệp năm 2020 có thể thấy doanh nghiệp thương mại chiếm tỷ lệ lớn (35%) trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chiếm gần 40% trong số các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh chiếm 94% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh nhưng lợi nhuận trước thuế lại âm (lỗ).

Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2020, cả nước có khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Dịch Covid-19 có thể khiến giấc mơ này không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, một vài nét phác họa trên đây nhắc nhở rằng chúng ta không nên quá hồ hởi với việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đều qua các năm. Điều này cũng có nghĩa nếu không thể có được 1 triệu doanh nghiệp khi năm 2020 kết thúc thì đây không phải là vấn đề quá lớn. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp đi vào hoạt động, sản xuất như thế nào để đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế.

Đặc biệt, khi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, Chính phủ muốn giải cứu doanh nghiệp thì phải hành động nhanh và quyết đoán, bởi lẽ đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ vì họ không có nhiều các nguồn lực dự trữ nên rất dễ “chết” trước khi được cứu. Doanh nghiệp phải “sống” được đã, lúc ấy mới tính đến chuyện tăng trưởng, phát triển.

TS. Bùi Trinh