Chính sách và cuộc sống

Lựa chọn hợp lý

- Thứ Năm, 23/07/2020, 17:34 - Chia sẻ
“Chi phí bỏ ra để tham gia vòng sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam đến giờ không lớn nhưng nếu toàn bộ 8 dự án thành phần đều chuyển sang dùng vốn ngân sách thì chiến lược sản xuất kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng rất đáng kể. Dù vậy, điều đáng nói hơn là sự thay đổi ấy sẽ làm suy giảm niềm tin của chúng tôi vào hoạt động điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành…”.

Một trong số gần hai mươi nhà đầu tư đã trúng sơ tuyển 7/8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam chia sẻ như vậy sau buổi họp với Ủy ban Kinh tế vào buổi chiều muộn tuần trước. Ủy ban Kinh tế tổ chức cuộc họp này nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư trước khi bước vào phiên thẩm tra sơ bộ lần 2 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 từ hình thức hợp tác công - tư (PPP) sang sử dụng 100% vốn đầu tư công.

Dưới tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế nước ta sụt giảm nghiêm trọng và Chính phủ kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ giúp “cứu vãn” tình hình. Đây là một trong hai lý do thôi thúc Chính phủ tính đến việc chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam và vẫn “tha thiết” với phương án chuyển sang đầu tư công toàn bộ 8 dự án dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành. Lý do còn lại là việc huy động nguồn vốn tín dụng cho 8 dự án này được dự báo rất khó khăn. Những lùm xùm của các dự án BOT giao thông và việc nhiều dự án sụt giảm mạnh doanh thu trong thời gian qua khiến các ngân hàng ngần ngại “móc hầu bao” đã đành; chính các ngân hàng dưới tác động của Covid-19 cũng bị hạn chế nguồn vốn cho vay trung và dài hạn để tài trợ cho các dự án.

Phía nhà đầu tư, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp mạnh về xây lắp, tất nhiên không mong muốn chuyển đổi. Dự án cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2017, trong quá trình triển khai đã hủy sơ tuyển một lần, đến nay đã có 19 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (mỗi dự án có ít nhất 2 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển). Hơn một năm nay, các nhà đầu tư đã phải tạm gác nhiều kế hoạch kinh doanh khác để dồn sức cho dự án này. Và dù Ủy ban Kinh tế khuyến cáo Chính phủ cần quan tâm, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư khi phải hủy kết quả sơ tuyển để chuyển sang đầu tư công, nhưng những cơ hội đã trôi qua thì không thể nào trở lại với doanh nghiệp được nữa.

Tại phiên họp 45 (đợt 2) vào chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ chỉ trình Quốc hội phương án chuyển sang đầu tư công 3 dự án. Đó là dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo do không thu hút được nhà đầu tư; dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 nối vào TP Hà Nội và dự án Phan Thiết - Dầu Giây nối vào TP Hồ Chí Minh do đây là những tuyến có lưu lượng xe lớn và có ý nghĩa quan trọng. Đối với 5 dự án còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục đấu thầu để chọn các nhà đầu tư, thực hiện theo Luật PPP khi được Quốc hội thông qua.

Đây là một lựa chọn hợp lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thể hiện rõ tinh thần “chung lưng đấu cật” với Chính phủ - ở chỗ vừa bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa phát huy ngay hiệu quả trong việc kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, vừa không gây áp lực quá lớn lên ngân sách - vốn đứng trước nguy cơ hụt thu khá lớn trong cả năm nay và năm sau vì dịch bệnh. Hơn nữa, với phương án này, số nhà đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực chắc chắn sẽ ít hơn so với việc chuyển đổi 5 hoặc toàn bộ 8 dự án.

Nếu được Quốc hội nhất trí sử dụng 100% vốn đầu tư công thực hiện 3 dự án nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý Chính phủ phải tiến hành đấu thầu theo quy định. Chỉ định thầu có thể giúp rút ngắn thời gian một vài tháng, nhưng chỉ có thực hiện đấu thầu mới mời gọi được những nhà thầu trình độ cao, giàu năng lực, kinh nghiệm và thúc đẩy được quá trình áp dụng công nghệ trong quản lý, thi công dự án.

Hà Lan