Lối mở cho trường nghệ thuật

- Thứ Bảy, 27/07/2019, 08:13 - Chia sẻ
Cùng khắc phục khó khăn trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình, còn nhiều vướng mắc, bất cập; thế nhưng với khối trường nghệ thuật vẫn rất cần một lối đi riêng cho việc đào tạo năng khiếu.

Vướng do đặc thù

Trong 52 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã trở thành thương hiệu đào tạo văn hóa nghệ thuật của Thủ đô, góp phần không nhỏ cung cấp nhân lực, nhân tài cho Hà Nội và cả nước. Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ra đời và chuyển đổi cơ quan quản lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (1.2017), đã tạo cơ chế thuận lợi hơn so với trước đây. Như quy định về tỷ lệ chương trình giảng dạy giữa lý thuyết và thực hành, về đội ngũ nhà giáo, liên kết với doanh nghiệp, chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên…


Một lớp học giao hưởng tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

Tuy nhiên, đằng sau những thuận lợi đó, trao đổi với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, NSƯT Dương Minh Ánh cũng thẳng thắn chỉ ra: “Nhiều quy định trong Luật GDNN, các trường cao đẳng, trung cấp nghệ thuật không thấy mình trong đấy”. Nhiều quy định trong Luật GDNN cũng như các văn bản dưới Luật cũng gây không ít vướng mắc. Như thời gian đào tạo được quy định tại khoản 2, Điều 33, Luật GDNN không phù hợp với lĩnh vực nghệ thuật; Thông tư 23/2018/TT-BLĐTBXH quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cũng không phù hợp với đặc thù nghệ thuật…

Việc áp dụng giờ dạy tích hợp giữa lý thuyết và thực hành trong thời gian 60 phút với các môn nghệ thuật là quá dài. Việc bắt buộc phải có giáo án trong đào tạo nghệ thuật cũng là cứng nhắc, do quá trình giảng dạy các môn nghệ thuật cần tôn trọng yếu tố cảm xúc và năng khiếu của học sinh. Đặc biệt, theo quy định của Luật GDNN, giảng viên thỉnh giảng phải có tiêu chuẩn như giảng viên cơ hữu, với đặc thù nghệ thuật không thể mời được NSND, NSƯT giảng dạy, bởi hầu hết họ đều thiếu một trong số văn bằng, chứng chỉ đúng quy định. Hơn thế, nếu yêu cầu nộp số văn bằng, chứng chỉ trên, họ sẽ không nhận lời giảng dạy. Bởi vậy, thời gian qua, nhà trường rất khó mời giảng viên thỉnh giảng.

Hay trong Luật GDNN nhấn mạnh đến người học tốt nghiệp phải có việc làm và yêu cầu kết nối nhà trường - doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với khối trường nghệ thuật không dễ khi đặt vấn đề kết nối này. Nhiều học sinh tốt nghiệp ra trường về các đoàn nghệ thuật ở Trung ương, địa phương thực tập, nhưng phần lớn đoàn chuyên nghiệp đều đang thực hiện chính sách tinh giản biên chế, không muốn tiếp nhận người…

Cần lối đi riêng

Xu hướng tất yếu của các cơ sở GDNN hiện nay, song cũng là một vướng mắc rất lớn đối với đơn vị đào tạo nghệ thuật như Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, đó là tự chủ. Những năm qua, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tăng nguồn thu để bù đắp phần ngân sách được nhà nước cấp giảm dần (từ 2016 - 2020) để có đủ kinh phí bảo đảm hoạt động đào tạo và hướng đến phát triển trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, đối với đào tạo lĩnh vực nghệ thuật, học sinh thường có thu nhập ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, nhiều trường hợp thành danh là nghỉ học. Điều này tác động trực tiếp đến vấn đề tự chủ, khi Nhà nước cấp kinh phí trên cơ sở đặt hàng theo lượng đầu ra.

NSƯT Dương Minh Ánh chỉ ra băn khoăn lớn hiện nay của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là hướng phát triển chất lượng hay quy mô làm trọng, vì đôi khi chất lượng và quy mô không song hành. Với trường năng khiếu phải lấy chất lượng đỉnh cao là chính, chứ không phải quy mô. Nhưng điều đó lại mâu thuẫn với tự chủ, bởi tự chủ đồng nghĩa tự lo kinh tế, kinh tế lại dựa trên một đầu học sinh là bao nhiêu tiền. Sẽ không tránh khỏi việc những ngành đào tạo như nhạc cụ dân tộc, nhạc dân gian… bị mất tính bảo tồn.

“Đã tự chủ, chúng tôi sẽ đào tạo những gì xã hội hot, thu hút như thanh nhạc, piano, chứ không đào tạo những ngành yếu, đuối như hiện nay là 1 giảng viên chỉ có 1 - 2 học sinh cũng phải nuôi. Hiện nhà trường vẫn tồn tại trường hợp như vậy, vì nếu không có thì mất ngành học ấy, mất chuyên môn ấy, dàn nhạc cũng không có đủ cơ cấu thành phần. Cho nên, rất mong có quy định riêng cho các trường chuyên biệt, năng khiếu, thay vì hiện nay chỉ chung chung, chưa cụ thể” - NSƯT Dương Minh Ánh phân tích và kiến nghị.

Khó khăn, vướng mắc không chỉ với riêng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Vì thế, cần có lối đi riêng cho các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo năng khiếu. Một mặt, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về GDNN theo hướng tôn trọng tính đặc thù của từng ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo. Mặc khác, PGS. TS Chu Hồng Thanh, thành viên Đoàn Giám sát gợi ý, tuy Luật GDNN không đưa trường năng khiếu vào để có quy định phù hợp với đặc thù nhưng có thể nghiên cứu khi trong Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định loại hình trường chuyên, trường năng khiếu (Điều 62), trên cơ sở đó đưa ra giải pháp. “Những trường như Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đào tạo 6, 7, 9 năm/khóa, tuyển sinh phải lựa chọn năng khiếu, cần yêu cầu, tiêu chuẩn riêng, kể cả vấn đề nhà giáo, nhà giáo thỉnh giảng, mời NSND, NSƯT, nghệ nhân vào giảng dạy... Nếu có quy chế, chính sách riêng đối với trường năng khiếu thì sẽ gỡ được nhiều thứ, chứ không thể đánh đồng loạt như các trường đào tạo kỹ thuật khác”.

Thái Minh