Góc nhìn

Loại bỏ cán bộ “đủng đỉnh”

- Thứ Sáu, 08/05/2020, 07:13 - Chia sẻ
“Có đồng chí phó trưởng phòng om hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND thành phố kéo dài thêm 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất từ năm 2018 của Sở Tài nguyên - Môi trường chuyển cho Sở Tài chính, nhưng các đồng chí không vào hệ thống nhập hồ sơ, xem xong rồi “đá qua đá lại” đến 6 vòng”. Đây là thực trạng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu ra tại hội nghị giao ban của UBND thành phố Hà Nội vừa qua.

Tình trạng hồ sơ bị “đá qua đá lại” hay còn gọi là “ngâm” hồ sơ đã được nói đến nhiều thời gian qua. Đây được coi là điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính mà không ít cá nhân, tổ chức đã và đang gặp phải. Tình trạng này xảy ra ở không ít địa phương. Việc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình mới đây đã phát hiện có 12.930 hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai tại TP Đồng Hới đã bị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố giải quyết quá hạn là một trong những ví dụ. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cũng từng phản ánh về vướng mắc trong thực hiện thủ tục đất đai. Đó là có quyết định chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư... nhưng nhiều dự án sau ba năm vẫn bị coi là chưa bảo đảm thủ tục hành chính.

Việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính gây nên nhiều hệ lụy, trong đó làm tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cùng với đó là làm mất đi cơ hội đầu tư của người dân, doanh nghiệp. Thiệt hại từ việc “om” hồ sơ là rất khó đong đếm.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó có nguyên nhân khách quan từ những quy định pháp luật chồng chéo. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan áp dụng pháp luật, có thể đúng quy định này nhưng lại trái quy định kia. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác nữa - nguyên nhân được đánh giá là khá phổ biến lâu nay, đó là do yếu tố chủ quan của các cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ. Trong khi người dân, tổ chức đến với cơ quan công quyền rất cần hồ sơ được giải quyết nhanh gọn, trước hạn và đúng hạn thì có một số cán bộ, công chức cố tình gây khó dễ. Nếu không biết cách ứng xử không ít trường hợp đã bị “ngâm” hồ sơ. Với quy định ngầm luật bất thành văn “có tiền, việc mới trôi” của một số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa biến chất thì việc hồ sơ giải quyết quá hạn cũng là điều rất dễ xảy ra.

 Điều đáng nói là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang quyết tâm xây dựng Chính phủ phục vụ, cải cách thủ tục hành chính triệt để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, tình trạng “dân cần, quan chưa vội” vẫn còn xảy ra. Trong đó, vẫn còn tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của không ít cán bộ khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Tình trạng này, một lần nữa đã được chỉ ra trong báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây. Đó là trong năm 2019, có tới 54,1% doanh nghiệp phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ nhà nước địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Sau khi giảm tới mức 32% của năm 2017 xuống còn 30,8% của năm 2018 thì năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai lại tăng lên mức 36%. Điều này cho thấy, lĩnh vực đất đai vẫn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu. Đây cũng chính là lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp kêu than nhiều nhất trong thời gian qua.

Không khó để xác định hồ sơ của người dân, doanh nghiệp bị “tắc” ở khâu nào, “tắc” do vướng quy định pháp luật hay do cán bộ thực thi. Nếu do vướng quy định pháp luật thì các cơ quan tìm cách giải quyết hài hòa nhất để có lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật để tránh độ “vênh”. Ngoài ra, cần làm rõ vì sao trình tự thời gian giải quyết thủ tục đã quy định mà hồ sơ vẫn bị “đá qua đá lại” và trễ hẹn? Liệu có phải do cán bộ thực thi cố tình nhũng nhiễu để vòi “chi phí lót tay”? Nếu vậy, cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe. Tùy mức độ vi phạm, có thể cho luân chuyển khỏi vị trí đang đảm nhiệm hay loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức “sâu mọt”. Không thể để tình trạng việc người dân, doanh nghiệp cần, nhưng cán bộ, công chức lại đủng đỉnh.

Lê Hùng