Lắng nghe cử tri để hoàn thiện chương trình hành động

- Thứ Hai, 11/05/2020, 17:16 - Chia sẻ
Để tránh “thất hứa” với cử tri, ĐBQH TRƯƠNG MINH HOÀNG (Cà Mau) cho rằng, mỗi ứng cử viên khi vận động bầu cử phải hiểu đầy đủ phạm vi trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Lắng nghe, chắt lọc ý kiến cử tri để hoàn thiện chương trình hành động.

Đúng nguyên tắc và quy trình bầu cử

- Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, cả nước có tổng cộng 932 người được lập danh sách ứng cử ĐBQH Khóa XIV, giảm 214 người so với sau khi kết thúc Hiệp thương lần thứ 2. Ông nhìn nhận như thế nào về con số này?


Ảnh: Vũ Quang

 Đã xác định ứng cử để được lựa chọn, bầu làm đại biểu dân cử thì cần có tâm thế sẵn sàng và tự giác “học suốt đời”. Nếu được làm người đại biểu dân cử phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện tính tự giác về trách nhiệm với cử tri, là người đại diện của nhân dân; về bản lĩnh, kỹ năng đọc, viết, chọn lọc vấn đề đa số cử tri quan tâm hoặc đang gây bức xúc trong xã hội và phát biểu đúng trọng tâm, đúng thời điểm. Không nên chỉ nêu những vấn đề mình biết hoặc những gì mình có, địa phương mình cần.

- Sau mỗi lần tổ chức Hội nghị Hiệp thương từ Trung ương đến địa phương, số lượng người được lập danh sách ứng cử ĐBQH Khóa XIV đều giảm, nhưng đây không phải là điều bất bình thường. Việc còn 932 người được lập danh sách ứng cử ĐBQH Khóa XIV sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 vừa qua là kết quả của quá trình xem xét, lựa chọn kỹ càng, đúng nguyên tắc và quy trình bầu cử. Ví dụ, có những trường hợp bị khiếu nại, khiếu kiện đã được xử lý ngay, hoặc những hồ sơ cá nhân có vấn đề cũng đã được xác minh lại để tránh tình trạng gian dối lý lịch khi khai hồ sơ ứng cử ĐBQH...

Nhìn vào 932 ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV được lựa chọn để chuẩn bị lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, tôi thấy đây đều là những cá nhân xuất sắc, có trình độ, năng lực và đạo đức, phẩm chất chính trị vững vàng, đã có kinh nghiệm công tác. Đây là cơ sở quan trọng để cử tri cân nhắc, chọn ra 500 ĐBQH cho Khóa XIV, đáp ứng cho kỳ vọng và niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước.

- Việc tăng tỷ lệ ứng cử viên ĐBQH là người trẻ tuổi được đánh giá là xu hướng tốt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại cái thiếu của những người trẻ chính là kinh nghiệm và bản lĩnh, đặc biệt là trong quá trình vận động bầu cử. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Đúng là người trẻ có ít kinh nghiệm hoạt động trong các cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, hoạt động tại các cơ quan dân cử, đặc biệt là QH, đây không phải là dạng công việc sẵn có để ai trúng cử có thể tiếp nhận và làm ngay, mà từng cá nhân đại biểu cần có sự chủ động đầu tư, đào sâu suy nghĩ, tâm huyết, trách nhiệm thì mới có thể làm được và hoàn thành trọng trách cử tri giao. Tuy nhiên, ứng cử viên ĐBQH là người trẻ cũng có lợi thế đó là sức sống và nhiệt huyết. Chính vì vậy, khi được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH thì những ứng cử viên trẻ tuổi cần xác định rõ đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề. Trong đó, trên hết là trách nhiệm của người đại biểu dân cử với cử tri nơi cá nhân đó được cử tri tín nhiệm bầu chọn và tiếp sau là cử tri cả nước.

- Vậy theo ông, để trúng cử ĐBQH, những ứng cử viên trẻ cần làm thế nào để phát huy lợi thế?

- Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật, ĐBQH phải là người tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, có đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng, có năng lực chuyên môn, nhất là năng lực trong lĩnh vực lập pháp và giám sát, có sức khỏe và thời gian làm nhiệm vụ của đại biểu theo luật định. Song để trở thành ĐBQH đối với một người trẻ, tôi cho rằng, trước nhất, phải có lòng tin vào chính mình và hết lòng, hết sức để xứng đáng với sự đánh giá, tín nhiệm của tổ chức, cử tri đã dành cho mình. Thứ hai là phải có đam mê với nghiệp dân cử, có như vậy mới làm tốt được trách nhiệm người đại biểu nhân dân. Bởi, hiện có không ít bạn trẻ có trình độ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo luật định, nhưng có khi chưa thật sự say mê công việc dân cử thì rất khó. Thứ ba, những người trẻ phải chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những thế hệ đại biểu đi trước. Và quan trọng không thể thiếu, đã là đại biểu dân cử thì phải học từ nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Qua đó, có thể tự đúc rút, đưa ra những kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, được cử tri đón nhận.

Hứa phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đại biểu

- Thực tế sau khi được bầu làm ĐBQH, một số đại biểu, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, không thực hiện đúng những lời hứa trước đó với cử tri. Để tránh hứa mà không làm được thì ứng cử viên cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?

- Theo tôi, mỗi ứng cử viên khi thực hiện vận động bầu cử phải hiểu đầy đủ phạm vi trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Từ đó, hứa với bà con cử tri những vấn đề trong phạm vi trách nhiệm và khả năng cho phép, chứ không phải cứ hứa những chuyện ngoài khả năng, hoặc những việc mình không có chức năng, nhiệm vụ thực hiện. Là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tiếng nói của cử tri thì trước hết người đại biểu phải thường xuyên liên hệ, lắng nghe, chắt lọc, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nếu mỗi cá nhân ứng cử viên làm được như vậy, thì tôi tin sẽ không còn tình trạng ĐBQH thất hứa với cử tri.

- Đến giai đoạn này, vai trò và trách nhiệm của cử tri có ý nghĩa quyết định làm nên thành công của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, thực tế những cuộc bầu cử trước cho thấy, còn tình trạng bầu hộ, bầu thay, một người đi bỏ phiếu cho cả nhà… Theo ông, làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này?

- Tôi mong rằng, mỗi cử tri nên coi việc đi bỏ phiếu không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi, trách nhiệm cao cả để chọn lựa và bầu cho được người đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của chính mình trong 5 năm tới ở QH và HĐND các cấp. Việc trực tiếp cầm lá phiếu tham gia bầu cử không chỉ là niềm tự hào của mỗi cử tri, mà còn thể hiện trách nhiệm trước tương lai và sự phát triển của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Trung Thành thực hiện