Làm phim để bồi đắp bản sắc Việt

- Thứ Sáu, 07/06/2019, 08:00 - Chia sẻ
Sinh ra tại Việt Nam và trưởng thành ở Pháp, có cơ hội trở về nơi chôn nhau cắt rốn, đạo diễn Philippe Rostan nhận thấy Việt Nam “rất đặc biệt”. Ông đã làm nhiều phim về hai đất nước, về sự kết nối hai nền văn hóa, như một cách tìm lại phần Việt Nam trong mình mà thời gian dài tưởng chừng bị quên lãng. Trong số đó, phim tài liệu “Người lạ, giống Pháp” của ông đang được trình chiếu tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam 2019.

Ám ảnh về sự chia cắt

Sau 10 năm được giới thiệu, gây chú ý với công chúng và sự quan tâm của truyền thông Pháp, phim tài liệu “Người lạ, giống Pháp” đã được công chiếu tại Việt Nam. Đạo diễn Philippe Rostan chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã nghe nói về con lai Âu - Á như một câu chuyện bí mật của gia đình. Năm 1998, tôi dự kiến làm bộ phim về chủ đề này, và thuyết phục anh họ của tôi là Goege chia sẻ, nhưng 10 năm sau anh mới đồng ý xuất hiện trước ống kính. Từng có thời kỳ, con lai bị khinh thường ở Pháp, và đây được coi là vấn đề phức tạp, nhiều bên tránh né nhắc tới. Nhưng từ 1975 đến nay, tình hình đã được cải thiện, những người mang hai dòng máu cũng được nhìn với ánh mắt thiện cảm hơn. Năm 2008, Goege đã nghỉ hưu, con cái cũng lớn, anh cảm thấy đến lúc có thể kể ra câu chuyện này. Anh cũng giới thiệu cho tôi nhiều người bạn tại trại trẻ mồ côi FOEFI...”.


Ảnh tư liệu được sử dụng trong phim “Người lạ, giống Pháp”

“Người lạ, giống Pháp” tái hiện số phận của hàng nghìn đứa con lai được sinh ra tại Việt Nam, bị cha mẹ bỏ rơi và sống trong trại mồ côi FOEFI. Sau khi đế quốc Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ, khoảng 4.500 đứa trẻ lai được mang sang Pháp. Không cha, không mẹ, chúng hoàn toàn bị cắt đứt mối liên hệ với mảnh đất đã sinh ra, các cặp anh chị em ruột cũng bị chia tách để “Pháp hóa”. Phim cũng đề cập tới một số trẻ lai ở lại Việt Nam, và những người cha Pháp, mẹ Việt nói về một thời kỳ lịch sử... Bộ phim được xây dựng dựa trên những video, hình ảnh, tài liệu và câu chuyện mà các nhân chứng đã luôn giữ bí mật trong nửa thế kỷ, từ những ký ức ít ỏi khi còn ở Việt Nam, về cha mẹ, cho tới khi bị đưa lên tàu vượt đại dương đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Sau thời gian đầu khó hòa nhập, thậm chí phản kháng, dần dần, họ đã làm quen được với cuộc sống mới, trưởng thành và có vị trí xã hội nhất định tại Pháp.

Tuy nhiên, qua lời kể của nhân chứng cho thấy cả đời họ vẫn bị ám ảnh về sự chia cắt, nỗi băn khoăn không biết mình thuộc về đâu, không hẳn là người Pháp, cũng chẳng phải là người Việt. Nỗi đau bị bỏ rơi, tổn thương sâu sắc từ thơ bé chưa được chữa lành, nên chuyện xưa vẫn được họ kể lại trong nước mắt…

Khi ra mắt “Người lạ, giống Pháp” đã tạo hiệu ứng cho nhiều trẻ lai tìm về nguồn cội, nhưng không phải ai cũng có may mắn, nhiều bà mẹ ở Việt Nam đã qua đời, hoặc có người đã đi bước nữa, có gia đình riêng; có những cặp anh em ruột cùng sống trên đất Pháp vẫn chưa tìm lại được nhau…


Đạo diễn Philippe Rostan - Ảnh: Ng. Phương

“Tôi chọn đề tài con lai Âu - Á cũng xuất phát từ yếu tố cá nhân và gia đình, dù so với các nhân vật trong phim, tôi may mắn hơn là có cả cha và mẹ. Tuy vậy, quá trình làm phim “Người lạ, giống Pháp” cũng là lúc tôi cân bằng cả hai yếu tố Pháp và Việt, điều tôi tưởng chừng đã bị mất đi sau thời gian dài sống ở châu Âu”.

Đạo diễn Philippe Rostan

Hành trình tìm lại chính mình

Cùng gia đình sang Pháp sau khi chiến tranh kết thúc tại Việt Nam năm 1975,  Philippe Rostan có mẹ là người Việt, bố là người Pháp, được thừa hưởng cả hai nền giáo dục, hai nền văn hóa. “Khi ở Việt Nam, bố mẹ gửi tôi học trường Pháp ở Đà Lạt, Sài Gòn. Sang Pháp, nhà có 11 anh chị em nên mẹ tôi vẫn yêu cầu các con nói tiếng Việt ở nhà, nói tiếng Pháp khi ra ngoài. Mẹ cũng dạy tôi viết và đọc tiếng Việt. Tôi rất biết ơn vì điều đó. Bởi vậy, lần đầu tiên tôi đến Hà Nội năm 1990, mọi người vẫn tưởng tôi là người miền Nam ra, vì tôi vẫn rành tiếng Việt”.

Tốt nghiệp Đại học Paris Vincennes chuyên ngành đạo diễn, Philippe tình cờ được nhận làm phụ tá cho đạo diễn Pierre Schoendoerffer khi ông làm phim tài liệu “Điện Biên Phủ” (1991). Điều này đã ảnh hưởng nhất định tới con đường làm phim của Philippe Rostan. “Khác với bạn học, thường hay làm phim về Paris và Âu châu, khi tôi có cơ hội trở về nơi mình đã sinh ra và gắn bó thời thơ ấu, tôi mới nhận ra Việt Nam rất đặc biệt. Ở Pháp có đạo diễn Trần Anh Hùng làm nhiều phim về Việt Nam, còn tôi là con lai nên tôi muốn làm phim cả về Việt Nam và Pháp, về hai nền văn hóa, về mối liên hệ và kết nối giữa hai đất nước”.

Từ niềm thôi thúc đó, Philippe Rostan đã làm nhiều phim tài liệu về Việt Nam với tư cách biên kịch và đạo diễn, như: “Việt Nam nhỏ bé” (2007), “Người lạ, giống Pháp” (2009) và “Ba cuộc chiến tranh của Madelein Riffaud” (2010). Hai bộ phim sau đó được ông làm tại Việt Nam là “Chợ tình” (2011) nói về văn hóa độc đáo ở Sa Pa, Lào Cai; “Hoa sen” (2012) thể hiện hình tượng này trong văn hóa, chính trị, tôn giáo, trong nghệ thuật, kiến trúc... “Tôi sống xa mảnh đất nơi đã sinh ra, dường như có sự khuyết thiếu phần Việt Nam trong con người mình. Do đó, việc làm phim tài liệu giúp tôi bồi đắp bản sắc, tố chất Việt trong mình, giúp tôi tự trả lời rõ hơn câu hỏi mình là ai. Và cũng bởi mang hai dòng máu, thừa hưởng hai nền giáo dục, hai nền văn hóa, tôi thấy mình có nhiều thuận lợi khi làm phim về Việt Nam” - Philippe Rostan chia sẻ. 

Thảo Nguyên