Làm ngơ cho lâm tặc?

- Thứ Năm, 24/09/2020, 07:01 - Chia sẻ

Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ và rừng sản xuất ở địa phận tiếp giáp hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can để điều tra về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều đáng nói, tại các khu vực rừng bị tàn phá, các đối tượng đã ngang nhiên sử dụng các phương tiện cơ giới san ủi, mở đường vào rừng, dùng cưa máy đốn hạ cây gỗ, vận chuyển gỗ ra ngoài nhưng chủ rừng vẫn không phát hiện dù có địa điểm cây bị đốn hạ chỉ cách các cơ quan bảo vệ rừng 40 mét. Câu hỏi đặt ra, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng ở đâu khi để lâm tặc lộng hành đến như vậy? Có hay không tình trạng làm ngơ cho sai phạm để các đối tượng ngang nhiên phá rừng?

Tình trạng phá rừng đã trở thành vấn đề gây bức xúc cử tri và dư luận trong suốt thời gian qua. Đây cũng là vấn đề được đề cập đến trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, cũng như trên diễn đàn Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XIV, trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, khi đó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tình trạng phá rừng bừa bãi ở một số địa phương đang tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần phản ánh với Quốc hội, Chính phủ về nạn phá rừng.

Báo cáo cũng nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này nhưng việc chặt phá rừng vẫn diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền và dư luận. Cử tri và nhân dân yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý. Cử tri kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” phá rừng, thách thức pháp luật.

Trên nghị trường, nhiều lần đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về tình trạng này. Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) từng nhận định, tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở nhiều địa phương, quy mô lớn trong thời gian dài, nhưng việc xử lý rất hạn chế. Nêu dẫn chứng về việc khởi tố 25 vụ án nhưng không khởi tố được bị can, đại biểu cho rằng, có vụ án phá rừng nhưng không tìm ra thủ phạm. Tình trạng này cho thấy, công tác bảo vệ và quản lý rừng còn yếu kém, bị buông lỏng, thiếu kiểm tra thường xuyên. Cử tri cũng cho rằng có sự tiếp tay cho vi phạm, vì vậy, Chính phủ cần xử lý nghiêm vấn đề này. Còn đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật, do đó, cần làm rõ có hay không hành vi làm ngơ, tiếp tay cho phá rừng. Phải làm rõ tội phạm ở đâu hay do cơ quan bảo vệ pháp luật yếu kém?

Trong báo cáo của Chính phủ về Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chính phủ cũng thừa nhận một thực tế, hoạt động khai thác rừng, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Như vậy, tính từ Kỳ họp thứ Ba đến nay thời gian không phải là ngắn nhưng tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn chưa được ngăn chặn. Tuy nhiên, so với trước, khởi tố các vụ án liên quan đến phá rừng, cơ quan điều tra đã khởi tố được bị can. Theo Điều 232 Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, Bộ luật Hình sự quy định: Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên 30m3 trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 20m3 trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 50 triệu đồng.

Để ngăn chặn nạn phá rừng, các đối tượng trực tiếp phá rừng phải chịu trách nhiệm hình sự nghiêm minh theo quy định pháp luật. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các cơ quan, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng, cũng như người đứng đầu địa phương khi để xảy ra các vụ phá rừng gây hậu quả nghiêm trọng. Không thể đối tượng trực tiếp phá rừng bị xử lý trước pháp luật mà cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng lại “vô can”. Như đại biểu Hoàng Văn Hùng từng nhận định trước Quốc hội, khó có thể nói rằng, tình trạng phá rừng diễn ra trầm trọng như vậy mà lực lượng kiểm lâm không biết, chính quyền sở tại không biết.

Lê Hùng