Làm đúng thì việc gì phải e ngại?

- Thứ Tư, 17/06/2020, 09:32 - Chia sẻ
Chiều mai, 18.6, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhiều ý kiến cho rằng, Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, giúp cho việc triển khai các dự án PPP trở nên minh bạch, hiệu quả hơn.

Bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án. Những dự án này đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Để bảo đảm phát huy hiệu quả của các dự án này, đòi hỏi cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, nhằm huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán nhà nước quy định: Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển. Hiện dự thảo Luật đang được thiết kế theo hướng, hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong đầu tư PPP thì kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có); vốn nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần; tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công sau thời gian vận hành, khai thác tối thiểu 3 năm; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước.

Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của Kiểm toán Nhà nước, nhiều sai phạm đã được kiến nghị xử lý, góp phần làm giảm thất thoát cho ngân sách nhà nước. Trong báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018 được gửi tới Quốc hội Kỳ họp thứ Chín này, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ, trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư còn nhiều sai sót, tình trạng hồ sơ quản lý chất lượng còn thiếu sót, không đầy đủ xảy ra tại hầu hết các dự án; thực hiện dự án khi không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Báo cáo chưa đầy đủ nội dung; thi công khi chưa có hồ sơ thiết kế được duyệt, thi công không đúng hồ sơ thiết kế; chủ đầu tư chưa kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu so với hợp đồng xây dựng. Một số chủ đầu tư không thực hiện báo cáo giám sát đầu tư; tỷ lệ dự án được kiểm tra, giám sát tại một số địa phương thấp. Tổng hợp kết quả kiểm toán 2.013 dự án trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỷ đồng.

Dự án sai phạm, gây thất thoát thời gian qua đã trở thành vấn đề gây bức xúc dư luận, khi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đang bị đánh giá là đầu tư kém hiệu quả. Nguyên nhân là do sự yếu kém trong quản lý, hoặc cố tình buông lỏng vì lợi ích cá nhân theo kiểu “mỗi nơi kiếm một tý”.  Việc thực hiện các dự án đầu tư công - không ngoại trừ cả dự án công - tư cũng bị trục lợi nếu như không được quản lý chặt chẽ, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và ngăn chặn kịp thời sai phạm. Việc kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ xác định được tính tuân thủ của pháp luật và giá trị công trình mà nhà đầu tư hoàn thành. Đó cũng là cơ sở xác định việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư, bảo đảm minh bạch.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, “qua kiểm toán 60 dự án PPP đã giảm gần 300 năm thu phí. Nếu không kiểm toán có thu hồi được các dự án đã thu vượt không, có giảm được thời gian thu phí không”?

Thông tin mà ông Phớc đưa ra rất đáng suy nghĩ. Nếu như kiểm toán không vào cuộc, liệu 300 năm thu phí kia có được giảm không? Và đương nhiên, không ai khác chính là người dân và doanh nghiệp sẽ phải chịu sự thu vượt bởi chính sự thiếu minh bạch khi thực hiện và khai thác các dự án này. Và nếu được Quốc hội thông qua, Luật PPP sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên không vì thế mà các nhà đầu tư vào các dự án này trở nên quá lo lắng, bởi nói như ông Phớc - “nếu làm đúng thì không việc gì phải e ngại”.

Lê Hùng  

Lê Hùng