Lại khủng hoảng vì rác

- Thứ Bảy, 18/07/2020, 06:24 - Chia sẻ
Lần thứ 6 trong vòng 3 năm liên tiếp, người dân lại chặn xe di chuyển vào bãi rác Nam Sơn - bãi rác lớn nhất Thủ đô - khiến phố phường Hà Nội mỗi ngày ùn ứ 5.000 tấn rác.

Nguyên nhân là người dân chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án di dân ở gần bãi rác. Người dân cho rằng việc áp giá bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và đất ở của người dân chỉ bằng 1/6 so với giá đất tái định cư là không hợp lý, khiến việc chặn xe rác tiếp diễn từ năm này qua năm khác.

Nguồn: ITN

Cũng vì thỏa thuận đền bù không thành nên người dân Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không có lựa chọn khác, ngoài việc ở lại bên bãi rác, cố gắng chịu đựng, và thỉnh thoảng lại đổ ra đường chặn đoàn xe rác, khi mùa hè đến, lượng rác sinh hoạt của thành phố thải ra nhiều hơn, tốc độ phân hủy cao hơn. Như vậy, ngoài việc chậm chi trả đền bù giải phóng mặt bằng, vướng mắc về giá đền bù đất, tài sản trên đất, đơn giá khu tái định cư… thì còn là chuyện chậm trễ xử lý nước rỉ rác. Từ năm 2019 trở về trước thành phố đặt hàng công ty Phú Điền và một đơn vị khác xử lý nước rỉ rác. Nhưng theo quy định mới, việc xử lý trên phải qua đấu thầu, dẫn đến tồn khoảng 150.000m3 nước rỉ rác, nắng nóng gây mùi hôi thối, ô nhiễm nên người dân bức xúc kéo ra chặn xe chở rác.

Dù đầu chiều qua (17.7), sau cuộc đối thoại với lãnh đạo TP Hà Nội, người dân đã thu dọn lều bạt, “giải phóng” cả hai cửa ra vào bãi rác nhưng câu chuyện bãi rác Nam Sơn dường như là bế tắc và không có lối thoát, phương án giải quyết khủng hoảng vẫn là thuyết phục dân đừng cản đường để cho xe rác vào đổ. Hoặc kể cả khi đền bù thỏa đáng cho các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của các bãi rác như một số lãnh đạo đã trả lời, thì đó cũng chỉ mới giải quyết được “phần nổi của tảng băng” mà không thể giải quyết tận gốc của vấn đề. Giải quyết khủng hoảng rác phải trả lời được câu hỏi: Cách nào xử lý rác hiệu quả? Làm thế nào để giảm thiểu các chất thải phải chôn lấp, hướng đến giảm thiểu số lượng cũng như quy mô các bãi chôn lấp rác?

Bởi không chỉ người dân ở Nam Sơn mới phải chịu cảnh "sống chung với rác", mà cả nước có 660 bãi chôn lấp rác thì chỉ có 30% được xếp loại là bãi chôn lấp hợp vệ sinh có lớp che phủ hàng ngày trên rác thải, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, có đến 70% còn lại là những bãi chôn lấp hở và thiếu thốn các giải pháp quản lý mùi hôi, nước rỉ rác hay ruồi nhặng. Thế nên, cứ nghe tin khu xử lý rác sắp được xây dựng ở đâu là người dân ở khu vực đó hãi hùng, phản đối kịch liệt. Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên… đã có những cuộc gặp căng thẳng giữa chính quyền và người dân về bãi rác chôn lấp gây ô nhiễm. Trong khi tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh và tài nguyên đất ngày càng khan hiếm, nếu tiếp tục không có công nghệ xử lý rác hiệu quả, thì khủng hoảng rác sẽ tiếp tục diễn ra, ngày càng nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn, việc chặn xe vào bãi rác sẽ tất yếu xảy ra.

Cách duy nhất để tránh những cuộc khủng hoảng rác, đó là phải xử lý rác hiệu quả, nhưng thật đáng tiếc, từ bao năm nay, chính quyền đã không đầu tư đúng mức cho hoạt động xử lý rác. Đúng mức có nghĩa là công nghệ xử lý rác hiện đại, hiệu quả. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng từng thốt lên: “Có một điều rất lạ, ở thế giới chuẩn bị ra một chiếc ô tô đời mới thì khoảng vài tháng sau Việt Nam có ngay. Nhưng không hiểu tại sao hiện nay Việt Nam chúng ta cứ loay hoay chọn công nghệ nào để xử lý rác?”. Thực tế, có nhiều dự án xử lý rác ở khắp các địa bàn tỉnh thành nhưng phần lớn không mang lại hiệu quả, “công nghệ” chôn lấp vẫn chiếm đa số, giá thành lại rẻ.

Rõ ràng, quản lý rác của một thành phố cần có tầm nhìn 30 - 50 năm, tránh xa khu dân và công nghệ xử lý rác thải cũng phải được ưu tiên đầu tư loại tiên tiến, hiện đại. Địa phương nào không đầu tư để xử lý, thì nơi đó chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề có nguyên nhân từ rác.

 

 

 

Chi An