Kỷ nguyên hậu Shinzo Abe sẽ như thế nào?

- Thứ Ba, 01/09/2020, 05:50 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 không chỉ hủy hoại nền kinh tế mà còn cả hy vọng tổ chức một Olympics hoành tráng của Nhật Bản. Trong bối cảnh ảm đạm đó, việc Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ từ chức với lý do sức khỏe càng khiến nhiều người bất an về tương lai sắp tới, đồng thời tự hỏi chính sách quốc gia sẽ được chuyển hướng như thế nào.

Đi tìm người dẫn dắt xứ sở Phù Tang

Từng lãnh đạo Nhật Bản từ năm 2012, ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất ở xứ sở Phù Tang. Thực tế, ông cũng từng giữ chức vụ này một thời gian ngắn, từ năm 2006 - 2007, trước khi rời nhiệm sở cũng vì lý do sức khỏe.

Nguồn: theglobalherald.com

Tác động của việc Thủ tướng Abe từ chức đối với thế giới, đặc biệt là châu Á chắc chắn sẽ không nhỏ, bởi Nhật Bản là nền kinh tế mạnh thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Do đó, nhiều quốc gia đang theo sát kế hoạch kế vị ở Tokyo.

Ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Abe cho biết sẽ vẫn thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu chính phủ cho tới khi tân lãnh đạo được bổ nhiệm, trong khi nhiệm kỳ hiện tại của ông còn kéo dài tới tháng 9 năm sau. Cánh tay phải của ông Abe, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu tiếp quản vị trí Thủ tướng. Bản thân ông Suga cũng đã thông báo ý định tranh cử chức Chủ tịch đảng với Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) Toshihiro Nikai.

Theo luật pháp Nhật Bản, chủ tịch mới của đảng cầm quyền LDP sẽ gần như tự động thay thế ông Abe làm Thủ tướng, bởi vì đảng này, cùng với đồng minh Koimeto, có toàn quyền kiểm soát Hạ viện. LDP có khả năng sẽ triệu tập phiên họp Hạ viện bất thường để chính thức đề cử tân lãnh đạo và cũng là Thủ tướng vào ngày 17.9 tới.

Ngoài ông Suga, các ứng cử viên nổi bật khác còn có thể kể đến Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, ông Shinziro Koizumi - con trai thứ hai của Thủ tướng Nhật Bản thứ 56 Koizumi Junichiro và ông Fumio Kishida - người phụ trách chính sách của LDP.

Theo Japan Times, tính đến nay, vẫn rất khó đoán ai sẽ thực sự trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Abe bởi sự lựa chọn không phụ thuộc vào cử tri Nhật hay Hạ viện. Thay vào đó, quyết định chỉ nằm ở nội bộ đảng LDP. Phần lớn phương tiện truyền thông tập trung vào cá tính và chương trình nghị sự tranh cử của các ứng cử viên, nhưng đó không phải yếu tố quan trọng nhất. Thay vào đó, chính cơ chế chọn người kế nhiệm mới có tiếng nói quyết định.

Theo một số nhà phân tích, xét cho cùng, các cuộc bầu cử chức Chủ tịch đảng LDP không phải là trò chơi chính sách mà là trò chơi của các con số. Nghĩa là, Thủ tướng Nhật Bản phải có thể giành được “đa số phiếu”. Đồng nghĩa với đảng của người đó giành được đa số ghế trong cơ quan lập pháp và ông/bà ấy giành được đa số phiếu trong đảng.

Trong LDP, việc lấy phiếu trong nội bộ đảng không chỉ là việc ai có nền tảng chính sách mạnh nhất hay công chúng Nhật Bản ưa thích ai nhất, mà còn là việc ai có thể quản lý chính trị đảng tốt nhất để trở thành chủ tịch. Bảo vệ chính trị nội đảng là các phe nhóm của LDP. Thực tế, không có gì lạ khi một đảng chính trị có nhiều bè phái gồm các khối hoặc nhóm tương tự khác, nhưng trong LDP, các phe phái được thể chế hóa với cơ cấu và thành viên chính thức.

Năm trong số phe phái của LDP cũng lâu đời như chính đảng này, tồn tại từ khi các đảng từ trung tả đến cánh hữu của Nhật Bản hợp lực thành lập LDP năm 1955. Hiện LDP có 7 phe phái và là yếu tố quan trọng trong đảng trong 65 năm qua, ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm nội các, chương trình nghị sự chính sách cũng như những nhân vật trở thành thủ tướng. Có thể thấy, điều đó quan trọng đến thế nào bằng dẫn chứng là từ năm 1955, không có Thủ tướng LDP nào bảo đảm được vị trí mà không có liên kết phe phái.

Theo các nhà quan sát, hiện không phe nhóm nào có đủ số lượng thành viên để quyết định kết quả cuộc chạy đua chủ tịch đảng sắp tới. Nghĩa là tất cả thủ lĩnh phe phái đang phải xoay xở và đối phó ngay bây giờ. Họ có thể đưa ra một số câu hỏi cho bản thân như: Có nên chạy đua cho vị trí hàng đầu ngay bây giờ, hay liên minh với người khác để họ mang lại cho mình và phe nhóm của mình những vị trí tốt hơn trong nội các? Có nên bỏ cuộc đua để không phải chia phiếu cho đối thủ giành chiến thắng? Vì vậy, câu trả lời mà các nhà lãnh đạo phe phái đưa ra sẽ ảnh hưởng đến quyết định đối với thủ tướng tiếp theo, không chỉ về việc chọn ai mà còn là cách thức chọn.

Nhật Bản sẽ ra sao hậu Abe?

Theo Jakarta Post, bất cứ ai tiếp quản vị trí thủ tướng sẽ ít có cơ hội chuyển hướng con đường kinh tế và chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Trước hết, tân lãnh đạo sẽ phải đối phó với đại dịch Covid-19 ghê gớm. Ông/bà ấy cũng sẽ phải duy trì sự ổn định của đảng, vì một số đảng phái khác chỉ chờ đợi Thủ tướng mắc sai lầm trước cuộc bầu cử tháng 9.2021.

Về chính sách đối ngoại, Nhật Bản thời hậu Thủ tướng Abe nhiều khả năng sẽ tiếp tục ưu tiên quan hệ thân thiết với Mỹ. Nhà lãnh đạo tiếp theo phải chuẩn bị trước viễn cảnh Tổng thống Donald Trump tái đắc cử hoặc nước Mỹ chuyển đổi sang chính quyền mới. Cả Thủ tướng Abe lẫn Tổng thống Donald Trump từng nói chuyện hàng chục lần, trong đó ông chủ Nhà Trắng kiên quyết yêu cầu Nhật Bản chi trả nhiều hơn cho việc Washington bảo vệ quân sự nước này cũng như phải mở rộng thị trường cho các sản phẩm của xứ sở cờ hoa.

Bên cạnh đó, việc đối mặt với một Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn hơn, mối quan hệ xấu đi với Hàn Quốc hay mối đe dọa hạt nhân từ nước láng giềng Triều Tiên cũng giữ vị trí cao trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Đông Á sẽ tiêu hao phần lớn năng lượng của xứ sở hoa anh đào, bởi vì nhiều nước vẫn không tha thứ cho đế quốc thực dân Nhật vì sự cai trị tàn bạo các thuộc địa cũ trong khu vực thời Thế chiến II.

Khi nói đến ASEAN, người kế nhiệm Thủ tướng Abe sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với khối này vì ASEAN đã trở thành đối tác kinh tế và thương mại quan trọng lâu đời của Nhật Bản. Mới đầu ASEAN khó có thể trông đợi tân thủ tướng nâng cấp quan hệ đối tác. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận Nhật Bản cho rằng, nhà lãnh đạo mới cần phải xử lý quan hệ với ASEAN một cách thận trọng vì nhóm 10 thành viên này có thể hướng tới Trung Quốc để có những thỏa thuận có lợi cho tất cả.

Thái Anh