Kỷ luật lập pháp

- Thứ Ba, 21/07/2020, 05:54 - Chia sẻ
Nghị quyết số 106/2020/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 vừa được thông qua ngày 10.6.2020 thì ngày 16.7, tức là chỉ hơn một tháng sau đó, tại hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết này, Bộ Công an lại đề nghị bổ sung hai dự án Luật mới gồm: dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều đáng nói là, theo báo cáo của Lãnh đạo Bộ Công an thì việc đề xuất bổ sung hai dự án Luật kể trên vào chương trình lập pháp năm nay không phải là đột xuất. Bởi trước đó, tại Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 4.2020, Chính phủ đã thống nhất sự cần thiết ban hành hai luật này; đồng thời cũng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng đã đề cập sự cần thiết ban hành hai dự án luật tại một số phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cả Kỳ họp của Quốc hội. Nhưng thực tế, đến thời điểm này, các cơ quan của Quốc hội vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị. Ngay tại Phiên họp thứ 46 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng một lần nữa khẳng định tính chất quan trọng và cần thiết của việc bổ sung hai dự án luật vào chương trình lập pháp 2020 của Quốc hội. Nhưng hẳn nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ có thể đồng ý khi cơ quan trình dự thảo luật tuân thủ đúng quy định.

Hai dự án luật trên đây có thể bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một như đề nghị của Chính phủ được hay không? - Câu trả lời là có. Nhưng với điều kiện, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì, cơ quan trình phải có hồ sơ đề nghị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là tại phiên họp tháng 8.2020; đồng thời, các cơ quan phải khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về nội dung trước khi trình Quốc hội cho ý kiến. Nói cách khác, “bóng vẫn đang ở chân” của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan trình.
Cho đến nay, các cơ quan của Quốc hội vẫn luôn ủng hộ và tạo điều kiện tối đa cho Chính phủ và các cơ quan trong việc bổ sung các dự án luật vào chương trình hàng năm để kịp thời phúc đáp yêu cầu của thực tiễn. Nhưng nếu chậm nhất tại phiên họp tháng 8 tới đây, hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật trên đây không được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì “số phận” hai dự luật này sẽ thế nào?

Nhìn lại một chút, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 hiện có lẽ đang giữ kỷ lục về số lần điều chỉnh, bổ sung với 5 lần nếu tính từ thời điểm được Quốc hội thông qua cho tới nay. Trong đó, đã có 3 lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải điều chỉnh để bổ sung 7 dự án vào chương trình theo đề nghị của Chính phủ và các cơ quan. Các dự án luật được bổ sung này đều vào thời điểm gần sát kỳ họp, thậm chí có dự án được đề nghị đưa vào chương trình khi kỳ họp của Quốc hội đang diễn ra. “Điều này đã thực sự gây khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc tiếp cận tài liệu, nghiên cứu, thẩm tra, xem xét đối với dự án, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của dự án khi xem xét, thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Việc điều chỉnh chương trình gây áp lực, bức xúc và lo lắng không bảo đảm chất lượng các dự án luật trình Quốc hội lớn đến nỗi lần nào sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng có không ít đại biểu Quốc hội đề nghị nên bỏ quy định về lập chương trình. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng đã phải bỏ quy định về chương trình lập pháp toàn khóa, chỉ giữ lại quy định về chương trình lập pháp hàng năm để bảo đảm tính chủ động cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động lập pháp.

Thế nhưng thực tế cho thấy, cùng với tinh thần ủng hộ, tạo điều kiện tối đa cho các dự án luật bảo đảm chất lượng được bổ sung vào chương trình lập pháp hàng năm thì có lẽ, cũng cần xác lập một giới hạn rõ ràng và nghiêm ngặt đối với việc điều chỉnh, bổ sung và cả việc lùi thời hạn hay rút dự án luật khỏi chương trình. Bởi xét đến cùng, dù quy trình xây dựng pháp luật được đổi mới bao nhiêu, trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong quy trình lập pháp được quy định chặt chẽ đến thế nào đi chăng nữa thì kỷ luật lập pháp cũng vẫn khó đạt được như kỳ vọng nếu cơ quan soạn thảo, cơ quan trình các dự án luật vẫn còn trông đợi và nhìn thấy cơ hội có thể trông đợi ở sự linh động, tạo điều kiện của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Lam Anh