Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XIV

Nỗ lực vượt khó

- Thứ Năm, 23/07/2020, 06:00 - Chia sẻ
6 tháng đầu năm, cùng với các địa phương trên cả nước, Ninh Bình đang gồng mình phục hồi nền kinh tế sau tác động tiêu cực của dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc đã minh chứng cho quyết tâm, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân.

Nhiều gam màu sáng

6 tháng đầu năm 2020, cùng với cả nước, Ninh Bình cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Là tỉnh du lịch, dịch xuất hiện tương đối sớm; liên tục đứng trong tốp đầu của cả nước về số lượng ca dương tính. Tuy nhiên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Ninh Bình đã chủ động, quyết liệt ngay từ đầu, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất. Qua đó, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, góp phần duy trì ổn định nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Chia sẻ tại kỳ họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Quảng phấn khởi cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về thực hiện mục tiêu kép, tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của dịch. Nhờ vậy, kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 3,85%, cao hơn mức bình quân cả nước (1,81%). Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, tăng 9,1% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp ổn định, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, cơ bản hoàn thành mục tiêu tăng thêm 7 xã NTM, 5 xã NTM kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Đặc biệt, thu ngân sách vẫn đạt kết quả cao, trong đó thu nội địa không gồm tiền sử dụng đất đã đạt 58,6%. Đồng thời, các lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ trăn trở trước bối cảnh phải đối mặt với những tác động nặng nề từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trước hết, có đến gần 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và hơn 29.000 lao động bị ảnh hưởng, thậm chí có doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Nguồn nguyên liệu để phục vụ cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp bị thiếu hụt trầm trọng. Không những thế, các ngành dịch vụ, nhất là du lịch chịu tác động nặng nề, giảm tới 72% số lượt khách và 65,1% doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Đời sống một bộ phận nhân dân khó khăn. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về đất đai còn bất cập, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm 10 bậc so với năm 2018. Công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư tại một số công trình, dự án quan trọng còn chậm… Đây là những “điểm nghẽn” tỉnh cần bàn bạc đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”

Có thể thấy, những khó khăn trước mắt không hề ít. Bởi vậy, thời gian tới, Ninh Bình cần có chiến lược bài bản, cụ thể và toàn diện, từng bước tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn. Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận, xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành; chỉ rõ nguyên nhân khắc phục toàn diện các thách thức trong nội tại nền kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng loạt giải pháp trọng tâm, trọng điểm đã được các đại biểu đóng góp, giúp hoàn thiện phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian còn lại của năm.

Xoay quanh các nhiệm vụ cần thực hiện ngay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Chính quyền địa phương các cấp, các ngành cần triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tiếp tục có các chính sách hỗ trợ tái đàn lợn, khôi phục sản xuất sau dịch tả lợn châu Phi; chính sách hỗ trợ tiền nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2020 ít nhất từ 6,76% trở lên, để đạt khoảng 8,03% của cả nhiệm kỳ, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa duy trì và mở rộng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Đặc biệt, tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng”, xảy ra tình huống bất ngờ. Đồng thời, làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Liên quan đến các vấn đề quan trọng của tỉnh tại kỳ họp lần này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị các đại biểu dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ, tham gia ý kiến phản biện trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, cân nhắc các giải pháp, nguồn lực để thực hiện và tác động ảnh hưởng của chính sách. Đối với nhóm chủ trương các dự án đầu tư công, cần bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm hiệu quả. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư, tránh dàn trải, tránh làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Bí thư Tỉnh ủy cũng kỳ vọng hiệu quả việc thực hiện chức năng giám sát và vai trò đại diện của HĐND, nhất là giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp các cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Khi những vấn đề quan trọng cũng như các kiến nghị chính đáng của cử tri được tập trung giám sát, xem xét, giải quyết dứt điểm thì sẽ phát hiện được những bất cập từ thực tiễn. Đây sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bàn bạc, thảo luận, đưa ra những quyết sách phù hợp, chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

TRỌNG HIẾU