Kịp thời hướng dẫn, giải quyết vướng mắc trong phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi

- Thứ Ba, 14/07/2020, 11:05 - Chia sẻ
Đoàn giám sát số 2 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn, đã làm việc với 5 Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông-Vận tải về tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị các sở, đặc biệt là Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã trong triển khai, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi. Kịp thời hướng dẫn, giải quyết, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện nghị quyết; đặc biệt các nội dung vướng mắc đã được Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố tổng hợp qua giám sát thực tiễn ở các quận, huyện, thị xã.

Để bảo đảm cho việc xây dựng tờ trình, dự thảo nghị quyết thời kỳ ổn định ngân sách 2021-2025 trình kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 2020, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà đề nghị các sở, ngành cần tập trung nghiên cứu, tham mưu kịp thời với UBND thành phố, phối hợp với các ban HĐND để xây dựng trên cơ sở phân các nhóm: Nhóm quận; nhóm các huyện chuẩn bị lên quận; nhóm huyện, thị xã còn lại và có thuyết minh cụ thể.

Về phương án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị hai Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chủ động đề xuất, tham mưu với thành phố phương án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi gắn với phân cấp kinh tế - xã hội cho kỳ ổn định ngân sách tiếp theo bảo đảm thống nhất theo nguyên tắc: Phù hợp với các quy định của pháp luật; cấp nào làm tốt hơn, hiệu quả hơn thì giao cấp đó thực hiện và đảm bảo đủ nguồn lực để cấp đó triển khai nhiệm vụ.

Trong quá trình xây dựng phương án phân cấp, các Sở cần nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến từ cơ sở, hợp lý thì tiếp thu chỉnh sửa, chưa hợp lý thì phải rõ căn cứ, lý do; đồng thời, quan tâm đến yêu cầu, đặc thù triển khai quản lý theo mô hình Chính quyền đô thị.

Theo ghi nhận của đoàn giám sát, thời gian qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các sở đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo, thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp thực hiện quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi bảo đảm đúng quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn hạn chế, bất cập trong cả các quy định của thành phố và trong cả quá trình tổ chức thực hiện. Việc phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách đối với một số khoản thu còn chưa thực sự hợp lý; phân cấp nhiệm vụ chi gắn với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội trong một số lĩnh vực còn bất cập; định mức phân bổ chi ngân sách trong một số lĩnh vực còn chưa bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ chi.

Đánh giá đợt giám sát vừa qua cho thấy, các quy định về phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phân chia nguồn thu vẫn còn 20/30 đơn vị hành chính cấp huyện và hầu hết đơn vị hành chính cấp xã chưa tự cân đối được thu chi ngân sách. Nguồn thu ngân sách của nhiều phường không ổn định do phụ thuộc nhiều vào số thu từ các khoản không ổn định. Nhiều quận, huyện có số thu trên địa bàn vượt dự toán song nhiều đơn vị phụ thuộc lớn từ khoản thu tiền sử dụng đất (đây là nguồn thu không ổn định, phụ thuộc lớn vào sự phát triển của thị trường bất động sản) dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ cũng không ổn định, ảnh hưởng tới cân đối thu, chi ngân sách hàng năm.

Về phân cấp nhiệm vụ chi gắn với phân cấp quản lý kinh tế-xã hội trong một số lĩnh vực cũng còn bất cập. Việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chi gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trên thực tế còn chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu dân sinh. Nhiều quận, huyện phản ánh các trường hợp một số nội dung chi trên địa bàn quận, huyện, thị xã nhưng thuộc nhiệm vụ chi của cấp thành phố nên cần thời gian phản ánh lên cấp thành phố để triển khai thực hiện và chưa giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri và nhân dân (đặc biệt trong các lĩnh vực thủy lợi, quản lý đường bộ, công viên cây xanh, chiếu sáng công cộng, thoát nước đô thị,…).

Một số nhiệm vụ chi của cấp huyện, cấp xã nhưng các huyện, thị xã chưa chủ động cân đối, bố trí ngân sách để thực hiện, còn phải trông chờ vào việc ngân sách thành phố hỗ trợ.

Bên cạnh đó, định mức phân bổ chi ngân sách trong một số lĩnh vực còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu (như định mức phân bổ chi đầu tư XDCB, định mức chi cho công tác quốc phòng, định mức chi giáo dục đào tạo đối với các trường có số học sinh ít, định mức chi cho sự nghiệp văn hóa, định mức khoán chi hoạt động theo biên chế được duyệt của phường,…). Định mức phân bổ ổn định cho cả giai đoạn chưa tính đến yếu tố trượt giá và tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội chung của Thủ đô.

Ngoài ra, định mức phân bổ ngân sách chưa tính đến đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội và khả năng thu của cấp quận/huyện, xã/phường (một số nơi có nguồn thu lớn, thừa nguồn nhưng không có nhiệm vụ chi, có số kết dư, chuyển nguồn hàng năm lớn; trong có quận/huyện, xã/phường thu ít, không đảm bảo nhiệm vụ chi nhưng không thể thực hiện việc điều hòa ngân sách giữa các địa phương). Còn nhiều nội dung chi chưa xác định được định mức, phải dự toán kinh phí chi nghiệp vụ ngoài định mức. Một số định mức chi trong quá trình thực hiện do thay đổi về chính sách nên không còn phù hợp với thực tiễn.

PHI LONG