Kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

- Thứ Bảy, 18/07/2020, 07:19 - Chia sẻ
Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh đã diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, các đại biểu cũng tích cực đóng góp ý kiến nhằm thực hiện những mục tiêu đã đề ra sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến xung quanh các nội dung khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Theo UBND tỉnh, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, diện tích gieo trồng giảm, một số mặt hàng nông sản tiêu thụ chậm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Trước thực tế đó, Bắc Ninh đã có những giải pháp đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa, giúp giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian, giúp giá bán nông sản tăng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả theo hướng bền vững, mở rộng quy mô nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Trồng hoa lan trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Địa Mỹ, huyện Tiên Du
Nguồn: ITN

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Hiếu cho biết, huyện Quế Võ đã tích cực triển khai các đề án nông nghiệp của tỉnh, đồng thời xây dựng và triển khai các đề án nông nghiệp của huyện, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tuy nhiên, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong huyện chưa nhiều; nông sản hàng hóa chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô, việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để sơ chế, bảo quản nông sản còn hạn chế. Vốn sản xuất của các nông hộ hạn hẹp, giá cả vật tư đầu vào tăng trong khi giá sản phẩm nông nghiệp thấp, thị trường đầu ra bấp bênh, dẫn đến tiêu thụ sản phẩm còn khó, chủ yếu là tiêu thụ tự do trên thị trường mà chưa có kênh phân phối ổn định.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, nhờ một số chính sách của tỉnh, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng liên tục qua các năm. Từ năm 2010 có hơn 10 doanh nghiệp thì đến nay đã có trên 60 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hình thức liên kết đầu tư của các doanh nghiệp cũng rất đa dạng, các doanh nghiệp đầu tư vào một khâu hoặc một số khâu trong quá trình sản xuất, đã tạo những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp như tạo ra các chuỗi sản xuất và nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với bà con nông dân. Điển hình là Tập đoàn DABACO Việt Nam - một Tập đoàn kinh tế đa ngành với trên 60 đơn vị thành viên, doanh thu trên 12.000 tỷ đồng/năm, hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị khép kín 3F: sạch từ trang trại tới bàn ăn, từ sản xuất con giống, chăn nuôi tập trung, sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chế biến thực phẩm và phân phối sản phẩm.

Các đại biểu cũng đề ra nhiều giải pháp để hoàn thiện hơn nữa chính sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như tỉnh cần rà soát và bổ sung các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn thiếu như hỗ trợ chênh lệch lãi suất phải đủ mạnh; đa dạng các hình thức hỗ trợ tập trung đất đai như thuê, góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, huy động nhiều nguồn vốn thông qua xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn như đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nâng cấp hệ thống điện phục vụ ổn định cho sản xuất; chú trọng tập trung vào một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và có lợi thế của tỉnh…

Bảo đảm quyền lợi người lao động

Đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà phát biểu, việc thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 có nhiều vướng mắc, khó thực hiện; doanh nghiệp phải chứng minh doanh thu bằng 0 hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Như thế chẳng khác nào doanh nghiệp tự xác nhận sắp hoặc đã phá sản. Hiện nay, số người lao động đủ điều kiện đề nghị hỗ trợ rất ít so với thực tế bị ảnh hưởng. Qua khảo sát của các cấp công đoàn, cả tỉnh có hơn 50.000 lao động bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có hơn 10.000 lao động không có thu nhập hoặc 70% mức lương tối thiểu vùng nhưng doanh nghiệp vẫn nỗ lực hoạt động, cố gắng duy trì việc làm, giữ chân người lao động.

Về những vướng mắc này, đại biểu đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ xem xét sửa đổi các điều kiện hỗ trợ cho 2 đối tượng quy định tại Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15 của Chính phủ gồm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng không gắn điều kiện của người lao động với điều kiện của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần xác nhận là từ thời điểm đó đã không còn trả lương cho người lao động nữa.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, dự báo nhiều doanh nghiệp lớn có khả năng bị mất hoặc sụt giảm đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất. Điều này sẽ làm gia tăng tác động tiêu cực đến việc làm, đời sống và thu nhập của nhiều người lao động. Nguy cơ số lao động bị mất việc làm, ngừng việc tập thể sẽ gia tăng và tình hình quan hệ lao động sẽ ngày càng phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm 2020. Đại biểu đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đội phản ứng nhanh gồm lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, mời đại diện công đoàn tham gia với vai trò đại diện quyền lợi người lao động. Xây dựng quy trình giải quyết với phương châm ưu tiên bảo vệ quyền lợi về tiền lương, BHXH, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà cho biết thêm, có tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH với số lượng lớn, thời gian dài nhưng chưa có giải pháp quyết liệt để xử lý, ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi của ngành BHXH và người lao động. Từ tháng 5.2018 - 5.2020 số nợ tăng từ 160 tỷ đồng lên 380 tỷ đồng. Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn trong thời gian dài, trong đó, có cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, khiến cho nhiều người lao động nghỉ việc. Khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp bị phá sản, nhiều lao động không được chốt sổ bảo hiểm, không được hưởng chế độ.

Các đại biểu yêu cầu, ngành BHXH tỉnh phải rà soát, lựa chọn những doanh nghiệp có số nợ lớn, thời gian nợ dài khởi kiện ra tòa hoặc đề nghị cơ quan chức năng truy tố trước pháp luật. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh cần nâng cao vai trò, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, cảnh báo sớm và đi kèm với các giải pháp cụ thể đối với đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế, nợ BHXH từ 6 tháng trở lên.

Tuấn Đỗ