Thái Nguyên

Kinh tế tư nhân khẳng định vị thế

- Thứ Tư, 24/06/2020, 08:26 - Chia sẻ
Những năm gần đây, với chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt: “Đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại đang có sự phát triển rất mạnh mẽ. Đây là lực lượng quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cũng như góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 11%/năm, kết quả này có sự đóng góp tích cực từ phía các doanh nghiệp tư nhân. Con số này được minh chứng bởi các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, vốn đầu tư, thu ngân sách... năm sau cao hơn năm trước. Có thể thấy, kinh tế tư nhân đang dần khẳng định vị thế trong nền kinh tế của đất nước, của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, kinh tế tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chính vì vậy, những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong lúc này sẽ là bệ đỡ, tạo đà tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Để thực hiện tăng tốc và đột phá, chúng tôi nghĩ rằng cần phải có sự hỗ trợ về chính sách, về đào tạo, tài chính để thành một hệ thống mạnh. Do đó, rất cần Đảng, Nhà nước chung tay đồng hành và kiến tạo với doanh nghiệp".

Có thể khẳng định, kinh tế tư nhân đã và đang góp quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, ngành công nghiệp may mặc của tỉnh Thái Nguyên, mà chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, mỗi năm đạt giá trị xuất khẩu trên 390 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 71% giá trị xuất khẩu của địa phương. Chỉ tính riêng quý I.2020, kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc của tỉnh đạt trên 71,5 triệu USD. Không chỉ đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, ngành may mặc của tỉnh cũng đang tạo ra nhiều việc làm, với hàng chục nghìn lao động làm việc ổn định tại các doanh nghiệp. Đây là cơ sở để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Chị Lý Thị Hà, nhân viên Công ty cổ phần may TDT, Chi nhánh huyện Đại Từ chia sẻ: "Công việc ở đây rất phù hợp với tôi vì môi trường làm việc rất sạch sẽ, thoáng mát. Mong muốn của tôi là công ty càng ngày càng phát triển, thu nhập của công nhân được cao hơn".

Là một trong những doanh nghiệp tư nhân hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực thương mại, vật liệu xây dựng của tỉnh, Công ty cổ phần Thép Hà Căn đã không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, công ty đã có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố lớn khu vực phía Bắc như: Thái Nguyên, Hải Phòng và Hà Nội, với doanh thu hàng năm từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Với mục tiêu không ngừng phát triển, năm 2018, công ty tiếp tục mở rộng ngành nghề kinh doanh bằng việc đầu tư sang lĩnh vực mới. Đó là Nhà máy sản xuất và chế biến phôi nhôm Aluminum Hàn Việt, tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, có công suất 72 nghìn tấn/năm, với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng đang được triển khai xây lắp. Nhà máy hoàn thành, đưa vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động. Dự kiến, mỗi năm thực hiện nghĩa vụ ngân sách đối với Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Bà Đinh Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hà Căn khẳng định: "Khi Công ty Hà Căn đã đứng vững trên thị trường xi măng, sắt thép, vận tải, chắc chắn chúng tôi phải mở rộng sang các lĩnh vực khác để làm thế nào cống hiến được nhiều hơn nữa cho xã hội".

Ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, ngày 29.3.2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong Nghị quyết đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời xây dựng bộ máy chính quyền kỷ cương, liêm chính, hành động và phục vụ ở các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh rất chú trọng tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bởi đây vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đối với lãnh đạo các huyện, thành, thị cũng tăng cường tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp (một năm ít nhất có 4 cuộc tiếp xúc và đối thoại chính thức, ngoài ra còn có các cuộc tiếp xúc khác). Về phía các sở, ngành của tỉnh, hiện nay, nhiều sở như: Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư... thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi với doanh nghiệp. Thông qua các cuộc tiếp xúc đã đem lại hiệu quả rõ rệt với tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn, có nhiều nội dung thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết kịp thời.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cấp, ngành chức năng cùng các địa phương, môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, từ đó tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững. Việc phát triển kinh tế tư nhân là nhân tố không chỉ bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách, mà còn giải quyết hàng loạt các vấn đề xã hội như: Việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực... Thái Nguyên hiện có trên 6.800 doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực, với hàng trăm doanh nghiệp đăng ký mới hàng năm. Đây sẽ là đòn bẩy để Thái Nguyên tăng tốc hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Tùng Lâm