Kinh tế Mỹ suy thoái đến mức nào?

- Thứ Năm, 27/08/2020, 05:26 - Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù có những tín hiệu vui về khả năng có vaccine phòng ngừa, việc đánh giá mức độ suy thoái kinh tế do những tác động tiêu cực của đại dịch này có thể giúp xứ sở cờ hoa dự báo quá trình phục hồi.

Khó trở lại thời hoàng kim

Theo giáo sư kinh tế học Michael J. Boskin của Đại học Standford trong bài viết trên Project Syndicate, cuộc suy thoái lịch sử do Covid-19 dường như diễn ra ở hầu hết quốc gia. Nhưng những dự báo hiện tại, kể cả chính thức lẫn tiên đoán mang tính cá nhân đều ngụ ý rằng, hầu hết các nền kinh tế sẽ không thể trở lại mức độ hoàng kim trước đó cho tới cuối năm 2022.

Phần lớn các nền kinh tế sẽ không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch cùng quá trình phát triển vaccine và điều trị hiệu quả, mà còn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại và quản lý mà mỗi quốc gia theo đuổi. Do đó, nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà bình luận đang xem xét các cuộc suy thoái trước đây để tìm ra phản ứng hiệu quả.

Thực tế, tất cả các cuộc suy thoái đều khác nhau về nguyên nhân cho dù chúng có thể na ná nhau. Một số suy thoái diễn ra sau Thế chiến II ở Mỹ đã kéo theo động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang nhằm kiểm soát lạm phát gia tăng. Các cuộc suy thoái sâu rộng giai đoạn 1973 - 1975 và 1981 - 1982 kéo theo nhiều cú sốc lớn về dầu mỏ (khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng hơn thời hiện tại). Và cuộc suy thoái năm 2001 xảy ra sau khi bong bóng dotcom vỡ. Bong bóng dotcom là cách miêu tả hiện tượng thị trường chứng khoán khi giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lên cao một cách bất thường. Hiện tượng này xảy ra khi cổ phiếu của các công ty này bị đầu cơ hoặc nhận được sự kỳ vọng thái quá từ phía các nhà đầu tư.

Mặc dù bong bóng dotcom đã khiến kinh tế Mỹ thịnh vượng một cách thần kỳ trong giai đoạn 1995 - 2000, nhưng nó cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế nhanh chóng rơi vào suy thoái khi “phát nổ”. Ngược lại, cuộc đại suy thoái 2008 - 2009 của Mỹ là do một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ các tổ chức tài chính bị nợ nần quá nhiều, không có khả năng thanh toán. Mỹ đã cho phép mở rộng các khoản vay mua nhà cho những người mà theo truyền thống không đủ điều kiện, khiến giá nhà ở và tỷ lệ nợ hộ gia đình tăng lên mức không bền vững. Sự sụt giảm sau đó của giá nhà đất, bùng nổ các vụ tịch thu nhà và tình trạng thất nghiệp đã ảnh hưởng đến tổng cầu, dẫn đến cuộc suy thoái lớn thứ ba của thời hậu chiến.

Cuối cùng, cuộc suy thoái do Covid-19, hậu quả của những biện pháp phong tỏa chưa từng có đã làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế. Cú sốc lớn bắt đầu từ nguồn cung nhanh chóng chuyển thành sự thiếu hụt nhu cầu mà nguyên nhân là do tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh, mức độ không chắc chắn về triển vọng phục hồi, mua sắm chỉ thực hiện được qua mạng và cá nhân gia tăng tiết kiệm.

Sẽ phục hồi nhanh chóng?

Thông thường suy thoái sâu sẽ đi kèm với sự phục hồi nhanh chóng sau đó. Điều này đã được chứng minh bằng giai đoạn tăng trưởng GDP hàng năm trên 4% trong những năm 1970 và 1980 ở Mỹ. Tương tự, các cuộc suy thoái nhẹ - như giai đoạn 1990 - 1991 thường kéo theo phục hồi tương đối chậm hơn. Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Milton Friedman gọi hiện tượng này là hiệu ứng “gảy đàn”.

Tuy nhiên, 8 năm sau cuộc đại suy thoái năm 2008, tốc độ tăng trưởng của Mỹ giảm một nửa (chỉ còn khoảng 2%). Đáng lẽ, nếu phục hồi diễn ra mạnh mẽ như những suy thoái sâu trước đó, nó sẽ giúp tạo ra khoảng 20 triệu việc làm/năm trong vòng 4 năm. Có nhiều lời giải thích cho hoạt động kém hiệu quả trên. Theo các nhà quan sát, một là nỗ lực của chính phủ nhằm tái thiết kinh tế với chương trình bảo hiểm y tế Obamacare hay các quy định trong lĩnh vực ngân hàng và năng lượng gây ra tình trạng không chắc chắn, không khuyến khích tuyển dụng và đầu tư. Hai là phản ứng chính sách làm suy yếu động lực làm việc.

Cuộc đại suy thoái từng khởi động một loạt biện pháp tài chính và tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có nhiều dư địa để giảm lãi suất mục tiêu từ 5% xuống 0, và giữ nguyên mức đó trong 7 năm, đồng thời thu xếp các gói cứu trợ, hỗ trợ, các dòng hoán đổi tiền tệ và mua tài sản trị giá khoảng 3.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Tuy nhiên, điều này khiến lợi nhuận giảm dần. Việc thêm vài nghìn tỷ USD nữa vào lượng dự trữ dư thừa không được cho vay, mà FED phải trả lãi, không hề có lợi cho nền kinh tế.

Năm 2007, tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ vào khoảng 35%. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, đất nước tượng Nữ thần Tự do theo đuổi các biện pháp tài khóa bao gồm gói kích thích trị giá 800 tỷ USD năm 2009, dự luật giảm thuế và trợ cấp thất nghiệp năm 2010 cùng nhiều biện pháp khác, kể cả chương trình Thưởng dập xe cũ trị giá 3 tỷ USD. Đây là chương trình kích cầu ô tô của Chính phủ Mỹ, theo đó khách hàng dập xe cũ, mua xe mới tiết kiệm nhiên liệu hơn sẽ được hưởng trợ giá. Đến năm 2013, tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng hơn gấp đôi, đạt 72%. Cuối cùng, ngay cả khi điều chỉnh các tác động của chu kỳ kinh doanh, chính quyền thời Tổng thống Obama vẫn có mức thâm hụt ngân sách lớn nhất so với bất kỳ chính quyền nào kể từ Thế chiến II, mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện đã vượt qua kỷ lục đó.

Những người theo trường phái Keynes (đề cao vai trò điều tiết kinh tế nhà nước) trong suốt thời kỳ hậu khủng hoảng 2008 từng kỳ vọng vào khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn nhiều so với thực tế. Tuy nhiên, nhiều quyết định chính sách không mang lại hiệu quả như quảng cáo.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp lịch sử, lạm phát được kiểm soát và gánh nặng nợ hộ gia đình so với GDP thấp hơn nhiều so với trước thời kỳ đại suy thoái. FED có ít dư địa hơn để hạ lãi suất và bảng cân đối kế toán của cơ quan này đã tăng lên khoảng 4.000 tỷ USD. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, thâm hụt và nợ liên bang vẫn lớn theo tiêu chuẩn thời thịnh vượng.

Để đối phó với đại dịch, FED nhanh chóng áp dụng chính sách lãi suất bằng 0, hỗ trợ một số thị trường và mở rộng bảng cân đối kế toán lên hơn 7.000 tỷ USD, đồng thời từ bỏ cách tiếp cận của những người theo chủ trương tiệm tiến truyền thống. Các biện pháp tài chính được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình đã lên tới vài nghìn tỷ USD. Và Tổng thống Donald Trump hiện ban hành các lệnh nhằm hoãn thuế trả lương và cung cấp các khoản thanh toán bổ sung cho các hộ gia đình. Ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm từng cảnh báo, nếu cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới mở đường cho chính quyền thuộc phe Dân chủ, xung đột sẽ xảy ra với Quốc hội vì chính quyền này nhiều khả năng sẽ theo đuổi chính sách thuế lớn, mở rộng chi tiêu và tăng cường quy định vào năm 2021.

Do khả năng phục hồi sau cuộc đại suy thoái năm 2008 quá chậm, bất chấp thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ, nên vào đầu năm nay, rất ít người Mỹ nghĩ về nó như mô hình để ứng phó với một cuộc suy thoái lớn khác.

Trong cuộc suy thoái Covid-19, các điều kiện kinh tế bị ràng buộc quá chặt chẽ với quỹ đạo đại dịch để có thể tự tin dự báo về quá trình phục hồi. Sự sụt giảm sản lượng và việc làm lớn hơn nhiều, cũng như diễn ra nhanh hơn nhiều so với thời kỳ đại suy thoái. Sự phục hồi sớm hình chữ V dường như đang chậm lại, có khả năng sẽ tiếp tục với tốc độ khiêm tốn hơn.

Theo GS. Boskin, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên trì hoãn các quy định mới cho đến khi nền kinh tế phục hồi, thay vào đó tập trung vào các biện pháp tài khóa bổ sung để giảm thuế và thực hiện kế hoạch củng cố tài khóa đáng tin cậy để tránh rơi vào tình trạng tồi tệ hơn khi cuộc khủng hoảng lớn tiếp theo xảy ra.

Ngọc Minh