Ứng phó với dịch bệnh Covid-19

Kinh nghiệm hữu ích để hoàn thiện pháp luật

- Thứ Tư, 18/03/2020, 07:42 - Chia sẻ
Niềm vui vỡ òa trong đêm xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc được gỡ cách ly sau 21 ngày tiến hành khoanh vùng cách ly dập dịch Covid-19. Nhưng chỉ ít ngày sau, cả nước lại phải bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch bệnh. Ở góc độ xây dựng chính sách, kết quả phòng, chống dịch Covid-19 sẽ là kinh nghiệm thực tế hữu ích để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, giúp người dân có phản xạ tốt, tuân thủ, thông hiểu và ủng hộ các quyết định của cơ quan quản lý.

Giai đoạn khó khăn hơn

Sau khi Hà Nội phát hiện ca bệnh đầu tiên đến nay (ngày 6.3), Chính phủ đã nhận định nước ta đang bước sang giai đoạn thứ hai trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Một giai đoạn được nhận định sẽ khó khăn, có diễn biến phức tạp hơn giai đoạn đầu khi số lượng người mắc bệnh trên cả nước tăng nhanh, hiện lên đến hơn 60 trường hợp.

Trong thời gian dài thực hiện giai đoạn đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã khống chế số người nhiễm bệnh và chữa thành công cho 16 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 10 ngày vừa qua, số lượng trường hợp nhiễm virus này đã tăng gấp đôi, có biểu hiện tăng nhanh hơn trong những ngày gần đây. Điều gây lo lắng hơn nữa cho người dân là gần đây có một số trường hợp phải qua 3 lần xét nghiệm mới có kết quả dương tính, dù được phát hiện từ khá sớm. Đây là một minh chứng cho thấy diễn biến phức tạp, khó lường hơn của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp này.


Cách ly tại thành phố Phan Thiết, Bình Thuận Nguồn: ITN

Đến thời điểm này, chúng ta chưa để xảy ra tình trạng lây nhiễm, bùng phát bệnh dịch trong cộng đồng như một số quốc gia khác và cũng chưa có bệnh nhân nào bị thiệt mạng. Kết quả này đạt được nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng để khoanh vùng, cách ly gọn những trường hợp tiếp xúc trực tiếp, thuộc nhóm đối tượng F2, F3, F4 và F5. Đến nay, các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã tuyên bố đóng cửa toàn bộ bar, khách sạn, nhà hàng, karaoke... cũng như nhiều tụ điểm vui chơi khác.

Chính phủ đã yêu cầu hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam, nếu có chuyến bay hạ cánh, các Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải bàn và quyết định vị trí hạ cánh trên tinh thần bảo đảm cách ly. Các sân bay phải có trách nhiệm kiểm soát y tế. Quy trình cách ly hành khách trên chuyến bay từ vùng dịch trở về sẽ được Bộ Y tế tiến hành công khai, có hướng dẫn cụ thể. Và với quyết định này, hàng loạt các chuyến bay tới Việt Nam từ vùng dịch châu Âu đã được hủy sau ngày 15.3, trừ những chuyến đưa người Việt trở về quê hương.

Việc kiểm soát dịch từ người nhập cảnh vào Việt Nam là rất khó khăn. Thực tế, bệnh nhân thứ 34 lây nhiễm bệnh sau khi đi công tác về từ Hoa Kỳ trong thời điểm chúng ta chưa áp dụng biện pháp kiểm soát với hành khách nhập cảnh từ một số bang ở quốc gia này như hiện nay. Tương tự, bệnh nhân thứ 53 đến từ Cộng hòa Czech nhập cảnh vào nước ta cũng không được kiểm soát ngay, dù quốc gia này có trường hợp nhiễm bệnh. Mới đây nhất, bệnh nhân thứ 61 trở về từ Malaysia trong ở thời điểm quốc gia này chưa nổi lên thành nơi chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh nên cũng không được áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Mở rộng phạm vi cách ly

Đến thời điểm này, các quốc gia kể trên và nhiều quốc gia khác trên thế giới đều đã áp dụng biện pháp kiên quyết để ngăn chặn dịch bệnh. Một số quốc gia đã áp dụng biện pháp phong tỏa đất nước hay đóng cửa biên giới, dù gây thiệt hại cho nền kinh tế (Ba Lan, Pháp, Malaysia, Đan Mạch…). Điều này cho thấy dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới và phân tích thực tế ở trong nước, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 16.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ủy ban Nhân dân các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp trọng tâm. Trong đó, một giải pháp nổi bật là tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020.

Từ thời điểm này, các trường hợp được miễn thị thực hoặc có Giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao...) khi nhập cảnh phải có Giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và Giấy này được Việt Nam chấp thuận. Các biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.

Việt Nam từng là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp hơn, có thể trở thành một thách thức với khả năng bảo đảm của các cơ quan, cũng như tiềm lực tài chính quốc gia. Những con số thống kê về số lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp ngừng hoạt động… không cho phép chúng ta chậm trễ trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống biện pháp ứng phó cứng rắn hơn.

Ở góc độ pháp luật, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã được ban hành và thực thi, trong đó, đã quy định nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hiện chưa đưa ra kịch bản ứng phó cụ thể khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nên còn một số hạn chế trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 sẽ là một kinh nghiệm thực tế hữu ích để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, giúp người dân có phản xạ tốt, tuân thủ, thông hiểu và ủng hộ các quyết định của cơ quan quản lý.

Thanh Hải