Kinh doanh vận tải cần 3 - 6 tháng mới hồi phục

- Thứ Ba, 19/05/2020, 08:14 - Chia sẻ
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội những vẫn trong trạng thái cầm chừng. Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ngành vận tải phải mất ít nhất 3 tháng nữa mới có thể hồi phục.

Hoạt động cầm chừng

Thống kê cho thấy, sản lượng vận tải 4 tháng đầu năm ước đạt 534 triệu tấn hàng và 1.231 triệu lượt hành khách, lần lượt giảm 7,2% và 27,5% so với cùng kỳ năm 2019; riêng trong tháng 4, sản lượng vận tải ước giảm 27,2%, số hành khách ước giảm 76,8%. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ sụt giảm 40 - 80%, doanh thu vận tải đường sắt giảm 14,63%.

Theo dự báo của Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, phải hơn 3 tháng nữa ngành vận tải mới có thể hồi phục. Ông cho biết, những ngày đầu sau giãn cách, lượng phương tiện xe khách liên tỉnh quay lại các bến xe của Hà Nội chỉ đạt khoảng 15%. "Hiện tại khó khăn của ngành vận tải là vốn, cả mấy tháng trời doanh nghiệp “sạch túi”, bây giờ hoạt động trở lại cũng vậy. Tuy giá xăng dầu có giảm nhưng các chi phí khác như chi phí cầu đường, bến bãi hay điểm đỗ không được giảm. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn kéo theo các hoạt động vận chuyển, đi lại cũng không nhiều".

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, 4 tháng đầu năm tổng công ty lỗ khoảng 400 tỷ đồng. Hiện tại, các đoàn tàu đã hoạt động bình thường như trước khi dịch xảy ra, tuy nhiên, lượng khách chưa đông, doanh thu chỉ đạt 60% so với cùng kỳ. "Đối với một số tàu vừa được đầu tư mới, doanh thu giảm sút như vậy dẫn tới gặp khó khăn trong việc hoàn trả nợ gốc và lãi vay”, ông Mạnh cho hay.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty CP Mai Linh, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, doanh nghiệp vẫn đang hoạt động cầm chừng, mới chỉ có 60% xe vận hành trở lại, lượng khách giảm 70 - 80%, khả năng phải mất từ 3 - 6 tháng mới hồi phục. Doanh thu sụt giảm khiến doanh nghiệp phải tiết giảm nhân sự, chi phí hành chính và lương của nhân viên. "Một tháng mỗi người phải nghỉ 4 ngày không lương”. Tuy nhiên doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ. “Ví dụ theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, doanh nghiệp được vay với lãi suất 0% và không cần tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động nhưng điều kiện đi kèm là: Người lao động phải nghỉ việc trong 30 ngày, không được phát sinh lương và doanh nghiệp phải sử dụng hết nguồn tiền mới được vay. “Thực sự mà nói, những điều kiện này rất khó cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng”.


Doanh thu vận tải đường bộ giảm 40 - 80%  
Nguồn: ITN

Doanh nghiệp muốn giảm phí, giảm thủ tục

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hà Nội Nguyễn Công Hùng, kinh doanh khó khăn đồng nghĩa doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng. “Một số ngân hàng thương mại chỉ đồng ý hoãn, giãn nợ nhưng không giảm lãi suất. Nếu doanh nghiệp không chuẩn bị được thì lãi mẹ đẻ lãi con, cộng dồn lại sẽ thành gánh nặng lớn”, ông Hùng lo lắng. Trong thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp lớn, đông nhân viên đã chuyển sang huy động nguồn vốn ngắn hạn từ chính nhân viên. Tuy nhiên, theo lời ông Hùng, “vay thì cũng phải trả và các khoản vay đến hạn trả cùng một thời điểm sẽ càng làm doanh nghiệp khó khăn”.

Vì vậy, ông Hùng đề xuất ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Theo ông, “lãi suất 11,5% hiện nay là quá cao, cần giảm thêm 2 - 2,5% nữa”. Cùng với đó, Chính phủ nên xem xét miễn đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp từ nay đến hết tháng 12 và giảm 50% thuế VAT. “Bộ Giao thông - Vận tải nên cân nhắc giảm phí bảo trì đường bộ cũng như hoạt động đăng kiểm xe cơ giới. Cụ thể, nên miễn giảm phí hoặc nâng kỳ hạn đăng kiểm từ 6 tháng lên 12 tháng để giúp doanh nghiệp tiết kiệm thêm một khoản trong thời kỳ hồi phục”, ông Hùng kiến nghị.

Mới đây, Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải giảm từ 3 - 5% phí BOT cho xe tải 5 tấn trở lên và xe khách 16 chỗ trở lên để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng cho vận tải đường bộ. Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Tạ Long Hỷ đề xuất giảm 50% phí đường bộ cho các đầu xe trong 3 tháng 5, 6, 7 và giảm 25% trong các tháng còn lại của năm.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho rằng, các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Giao thông - Vận tải nên cắt giảm thủ tục hành chính để các doanh nghiệp vận tải có thể nhanh chóng phục hồi.

Thảo Anh