Dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

Khuyến khích công dân trở thành người chủ cư trú tự giác

- Thứ Năm, 02/07/2020, 06:55 - Chia sẻ
Bên cạnh mục tiêu bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, tại Kỳ họp thứ Chín, nhiều đại biểu Quốc hội chỉ rõ, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như quy định tại dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ khuyến khích công dân sinh sống tại địa bàn này trở thành những người chủ cư trú tự giác, cống hiến, xây dựng, giữ gìn và bảo vệ những giá trị tốt đẹp nơi mình ở.

Khó hạn chế di cư

Việc xóa bỏ sự phân biệt trong việc đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương so với các tỉnh khác như đề xuất của Chính phủ tại dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Bởi như phân tích của ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), nhu cầu tìm kiếm cuộc sống với những điều kiện tốt hơn, công việc có mức thu nhập cao hơn hay một môi trường có nhiều cơ hội phát triển chính là nhu cầu thiết thực và chính đáng của mỗi con người. Việc hạn chế quyền di cư đến những nơi công dân có thể tìm kiếm được những cơ hội cải thiện, nâng cao cuộc sống vì thế đã đến lúc phải được cân nhắc lại.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV Ảnh: Quang Khánh

Trên thực tế, việc đặt ra những quy định riêng như hiện hành cũng không phát huy được tính hiệu quả và đạt được đúng mục đích như mong muốn của chính sách. Bởi, sau khi quy định hạn chế về thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương được thực thi thì việc di dân đến các thành phố này không có xu hướng giảm đi. Trong khi đó, quyền lợi chính đáng của công dân sinh sống và làm việc tại các thành phố trực thuộc trung ương nhưng chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú không được bảo đảm do một số quyền gắn liền với điều kiện thường trú như quyền học tập, khám, chữa bệnh gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.

Hơn nữa, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước từng bước rút ngắn khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các địa phương, các vùng miền mới là vấn đề cốt lõi để hạn chế việc di cư, giảm áp lực về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội ở các thành phố lớn. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp.

Tán thành với quan điểm này, ĐBQH Trịnh Ngọc Thúy (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, quy định điều kiện đăng ký thường trú riêng tại các thành phố lớn tại Luật Cư trú hiện hành tạo ra tình trạng có những người dân có nơi ở hợp pháp, song vẫn thiếu "cái gọi là đăng ký thường trú", khiến quyền, nghĩa vụ công dân của họ không được bảo đảm đầy đủ. Và cũng vì quy định này nên người có chỗ ở hợp pháp phải tìm đủ mọi cách để có hộ khẩu thường trú, dẫn đến rườm rà các thủ tục hành chính, đôi khi tùy tiện áp dụng và bất bình đẳng.

Quy định mới của dự án Luật Cư trú (sửa đổi) không chỉ được kỳ vọng là tư duy tiến bộ, phát huy quyền tự do cư trú của công dân, ĐB Trịnh Ngọc Thúy khẳng định, cũng sẽ không tạo thay đổi lớn tình trạng cư trú ở các thành phố lớn trên cả nước. Bởi, những người đã muốn cư trú ở những địa bàn này về cơ bản đều đã có chỗ ở hợp pháp tại đó. Và, nếu thực hiện theo quy định tại dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện để quản lý dân cư chính xác và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn cả, theo đại biểu Trịnh Ngọc Thúy, việc một công dân được cư trú hợp pháp tại nơi mình muốn sống sẽ khuyến khích họ trở thành những người chủ cư trú tự giác, cống hiến, xây dựng, giữ gìn và bảo vệ những giá trị tốt đẹp nơi mình cư trú có được.

Bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú

Có thể thấy, việc khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật quy định theo hướng công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho cả người dân và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bên cạnh lưu ý về việc gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và một số hoạt động dịch vụ công khác đang được cung cấp dựa trên việc đăng ký thường trú của công dân tại các thành phố trực thuộc Trung ương được báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đưa ra, các ĐBQH cũng chỉ ra một số điểm cần lưu ý khác khi thực hiện theo quy định này.

Điểm cần lưu ý trên thực tế xuất hiện ngay tại quy định ở khoản 1 Điều 23, dự thảo Luật. Quy định này tại dự thảo Luật xác định trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp có giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở. Bên cạnh đó, giấy tờ về mua, bán, tặng, cho đất đai và nhà ở phù hợp với quy định của luật pháp cũng là một căn cứ để giải quyết cấp đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương cho công dân có nhu cầu. Như phân tích của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đây là những giấy tờ được công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Đất đai có giá trị chứng nhận tính xác thực, hợp pháp đối với giao dịch của các bên.

Việc quy định giấy tờ về mua, bán, tặng, cho nhà ở đúng với quy định tại Luật Đất đai và Luật Nhà ở là một loại giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp sẽ tạo điều kiện cho công dân sớm thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp của mình. Nhưng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất chỉ thực sự hoàn thành và kết thúc khi thực hiện hoàn tất các thủ tục đăng ký đối với bất động sản theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về đăng ký tài sản. Trong khoảng thời gian từ khi các bên thực hiện lập giấy tờ hợp đồng mua, bán, tặng, cho quyền sử dụng đất, nhà ở gắn liền với đất, công chứng hợp đồng theo quy định và thực hiện các nghĩa vụ kèm theo hợp đồng cho đến khi thực hiện hoàn tất các thủ tục về đăng ký đối với bất động sản thì các bên hoàn toàn vẫn có thể thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật Công chứng. Chỉ ra những điểm cơ quan chủ trì soạn thảo chưa ý, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, nếu bên mua hay được cho tặng nhà đã thực hiện đăng ký thường trú bằng giấy tờ chứng minh hợp lệ sẽ xử lý như thế nào nếu các bên thỏa thuận hủy hợp đồng mua, bán, tặng, cho nhà ở này?

Nếu các bên thống nhất hủy hợp đồng mua, bán, tặng, cho nhà ở có nghĩa nhà ở trong hợp đồng lại không thuộc quyền sở hữu của bên mua, bên được cho, được nhận. Trong trường hợp này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc bên mua có nơi thường trú tại nhà theo hợp đồng mua, bán, tặng, cho đã bị hủy bỏ là không phù hợp. Để tránh tình trạng hợp đồng mua, bán, tặng, cho nhà ở đã bị hủy bỏ nhưng bên mua, bên được cho, được nhận vẫn có nơi thường trú tại địa chỉ nhà ở trong hợp đồng do đăng ký thường trú theo hợp đồng mua, bán, tặng, cho nhà ở khi chưa bị hủy bỏ, ĐBQH đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung điều khoản xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp không tiếp tục thực hiện hợp đồng mua, bán, tặng, cho nhà ở theo quy định của pháp luật.

Thanh Hải