Không thể nới lỏng giám sát mã số vùng trồng

- Thứ Ba, 29/09/2020, 08:15 - Chia sẻ
Mã số vùng trồng là một trong những điều kiện tiên quyết để nông sản Việt có thể tiếp cận được với thị trường thế giới. Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí mất thị trường.

Có địa phương chưa quan tâm đúng mức

Theo Cục Bảo vệ thực vật, chỉ nông sản được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số mới được phép xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Mã số vùng trồng sẽ giúp cơ quan quản lý của các nước nhập khẩu có thể truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng.

Đối với từng thị trường khác nhau, các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau. Mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để bảo đảm vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số sẽ bị thu hồi. Đến nay, chúng ta đã cấp được 998 mã số vùng trồng, trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Trung Quốc (1.735), Hoa Kỳ (471), tiếp đó là Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU.

Về cơ bản, việc cấp mã số hiện nay khá chặt chẽ. Sau khi cấp mã số, hàng năm khi vào vụ sản xuất - thu hoạch, cán bộ kỹ thuật sẽ tiến hành giám sát tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Trường hợp phát hiện các mã số này không đạt yêu cầu quy định của nước nhập khẩu sẽ yêu cầu phải khắc phục hoặc tạm ngừng không đồng ý cho sử dụng mã số đó. Cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu cũng sẽ định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số ở Việt Nam.

Cục Bảo vệ thực vật sẽ tăng cường giám sát, tránh doanh nghiệp mượn mã số của nhau  

Tuy vậy, thời gian qua một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng dẫn đến tình trạng mượn, dùng chung mã số vùng trồng. Giữa tháng 8 vừa qua, phía Trung Quốc đã thông báo có 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật và yêu cầu tạm ngừng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân.

Mặc dù tỷ lệ số mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng đang bị phía Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu không lớn, nhưng Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho rằng, điều này không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đối với trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam với thị trường quốc tế. Đây là tín hiệu cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời.

Liên kết truy xuất nguồn gốc

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mở thị trường đã khó, song việc duy trì, giữ vững và phát triển được ở những thị trường đó lại càng khó hơn nhiều. Vì vậy, việc quản lý mã số vùng trồng cần được siết chặt từ cơ quan chức năng và các đơn vị được cấp mã số vùng trồng cần có ý thức để bảo vệ mã số của mình như một tài sản, kịp thời thông báo có các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để phối hợp xử lý. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.

Thực tế hiện nay, một lô hàng trái cây xuất khẩu sau khi thu hái sẽ được hợp tác xã dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử lên bao bì, đồng thời hợp tác xã sẽ liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh, thành phố để kích hoạt. Trên tem truy xuất nguồn gốc đã được kích hoạt thể hiện đầy đủ thông tin nhà vườn, số lượng thu hái, giờ hái, lượng xuất khẩu, quy cách đóng gói… Người mua có thể vào vùng kích hoạt để biết được các thông tin nêu trên. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa cấp mã vùng trồng với cấp tem truy xuất nguồn gốc điện tử mới chỉ được triển khai thí điểm tại một số địa phương và thị trường khó tính như Mỹ, EU. Trong khi đó, đối với thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam là Trung Quốc, việc thực hiện dán tem truy xuất còn khiêm tốn.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khẩu xuất khẩu.

Các địa phương phải phân công cụ thể cán bộ và cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số; chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra đề nghị cấp mã số hoặc giám sát các đơn vị đã được cấp mã số và báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật để có các biện pháp xử lý kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị các doanh nghiệp cần nhân rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, tất cả thông tin về nhà sản xuất, doanh nghiệp phải được thể hiện đầy đủ trên bao bì của sản phẩm, để trong trường hợp người tiêu dùng phát hiện sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, mới dễ dàng truy xuất ngược trở lại nhà sản xuất.

Chi An