Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

Không phạt cho tồn tại

- Chủ Nhật, 21/06/2020, 10:18 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận sáng qua, nhiều ĐBQH đề nghị nâng mức phạt tiền tối đa đối với tất cả lĩnh vực. Bởi lẽ, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định pháp luật, tức là khi vi phạm thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Nếu không tự thực hiện, nên tiến hành cưỡng chế thi hành, chứ không phạt cho tồn tại. Tuy nhiên, cũng có quan điểm đề nghị, cân nhắc tính thực tiễn và lý luận để tăng, giảm mức phạt xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp.

 Mọi hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh

Quan tâm về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu rõ, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật đã tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực và sửa đổi tên của 7 lĩnh vực. Tuy nhiên, các ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Lê Công Đỉnh (Long An) vẫn mong muốn Ban soạn thảo nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa với tất cả lĩnh vực để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của nhóm hành vi vi phạm, tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, phải bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và được xử lý nghiêm minh.

Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh (Long An) phát biểu tại hội trường

Ảnh: Quang Khánh 

ĐB Lê Công Đỉnh nhấn mạnh, “mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật, tức là khi vi phạm hành chính thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Nếu không tự thực hiện thì phải tiến hành cưỡng chế thi hành, chứ không phải phạt rồi cho tồn tại”.

Chỉ ra hình thức xử phạt vi phạm hành chính đang được áp dụng nhiều nhất là phạt tiền, ĐBQH Phan Thị Bình Thuận (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc, đánh giá toàn diện, khoa học về mức phạt tiền tối đa có tương xứng với tính chất mức độ của vi phạm hay không? Vì nếu phạt quá thấp sẽ không đủ sức răn đe, phạt quá cao, quá hà khắc thì khó khả thi. Với quan điểm như vậy, theo ĐB Phan Thị Bình Thuận, vi phạm trong một số lĩnh vực gây hậu quả lớn cho xã hội, làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân, an ninh, quốc phòng, nên nghiên cứu tăng mức phạt tối đa. Ví dụ, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đối ngoại, xuất, nhập cảnh, quá cảnh.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Ảnh: Quang Khánh 

Dự thảo Luật quy định: “Một hành vi vi phạm hành chính mà không có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt là mức trung bình của khung hình phạt được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung hình phạt. Trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung hình phạt”. Dẫn ra nội dung này, ĐB Phan Thị Bình Thuận lưu ý, dự thảo Luật không quy định tiêu chí, nguyên tắc tăng, giảm tiền phạt, đặc biệt trong trường hợp có từ 2 tình tiết tăng nặng hoặc 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên. Do đó, cần bổ sung quy định về nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức tăng, giảm tương ứng với tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ.

Mức phạt cao nhưng thủ tục hành chính không thay đổi?

Đi sâu vào các mức phạt tiền cụ thể được dự kiến ấn định trong từng lĩnh vực, ĐBQH Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) chỉ ra rằng: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị phạt tới 200 triệu đồng, thì lĩnh vực xâm phạm quyền lợi của bệnh nhân trong dịch vụ khám, chữa bệnh, dược lại chỉ ở mức tối đa 100 triệu đồng và lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em - lĩnh vực dư luận đang rất bức xúc, thì mức phạt tối đa chỉ là 50 triệu đồng? “Nếu chúng ta coi sức khỏe, tính mạng của con người, nhất là của trẻ em, của người bệnh là trên hết, thì việc để những mức chênh lệch nêu trong mức phạt của từng lĩnh vực là không hợp lý”, ĐB Nguyễn Thành Công nói. Nên chăng, Ban soạn thảo cần chỉnh lại theo hướng, mức phạt tối đa đối với các hành vi xâm hại trẻ em, khám, chữa bệnh không thấp hơn mức phạt tối đa trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tương tự, mức phạt trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, nhất là đối với các hành vi xâm phạm quyền của cá nhân về bảo vệ thông tin cá nhân cần được nâng lên ở mức đáng kể, thay vì chỉ 100 triệu đồng như dự thảo. Kinh nghiệm của một số quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy, mức phạt đối với hành vi xâm phạm quyền thông tin cá nhân của người tiêu dùng, dịch vụ viễn thông có thể lên tới 4% doanh thu năm tài chính trước đó của doanh nghiệp có hành vi vi phạm, ĐB Nguyễn Thành Công dẫn chứng.

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt vấn đề nếu chỉ xét riêng về mức phạt tiền đã là hợp lý. Nhưng nếu đặt trong mối quan hệ giữa thực hiện quyền hành pháp và quyền tư pháp thì đây là vấn đề cần cân nhắc rất kỹ. Xử lý vi phạm hành chính với mức phạt rất cao nhưng thủ tục xử lý vi phạm về cơ bản lại không thay đổi, dựa trên quyết định đơn phương của người có thẩm quyền. Cơ quan hành pháp ngoài thực hiện chức năng chính là tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện quyền hành pháp, thì còn phải duy trì một bộ máy khá lớn trong xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này. Trong khi đó, về phía người dân, theo ĐB Nguyễn Văn Hiển, “trong nhiều trường hợp họ bị xử phạt ở mức rất cao, hàng trăm triệu đồng, thậm chí 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức, nhưng lại không có cơ hội được bảo đảm quyền bào chữa, quyền biện hộ của mình trước một phiên tòa độc lập, xét xử bằng thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, công bằng, bình đẳng mà đáng ra họ phải được hưởng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật tố tụng (?)”.

Nâng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực là đúng đắn, để phù hợp với yêu cầu đấu tranh, phòng, chống vi phạm hành chính. Thế nhưng, có lẽ Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ hơn về cơ sở lý luận cũng như tính hợp lý của việc tăng các mức phạt này.

Ý Nhi