Tăng chi ngân sách cho bảo vệ môi trường

Không phải cứ ấn định tỷ lệ là được

- Thứ Năm, 13/08/2020, 08:27 - Chia sẻ
Để bảo đảm nguồn lực bố trí cho các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường quy mô lớn, giải quyết dứt điểm các vấn đề do lịch sử để lại, cũng như thực hiện các nội dung chính sách liên quan thuộc trách nhiệm của Nhà nước, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 47 quy định mức chi cụ thể ngân sách cho bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nội dung này chưa thuyết phục được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chưa xác định rõ mức chi tối thiểu 

"Khi đã có Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Phí, lệ phí, nếu chúng ta song song quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) những chính sách về thuế, phí, thì sẽ không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trên cơ sở những nguyên tắc xác định thuế, phí, lệ phí thu về bảo vệ môi trường được quy định tại dự án Luật này, các mức thu, chi cụ thể nên sửa trực tiếp tại Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Phí, lệ phí. Nếu thực hiện theo quy định tại dự án Luật này sẽ không thực sự minh bạch đối với những quy định chuyên ngành ở trong các luật liên quan".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Quy định về ngân sách nhà nước dành cho bảo vệ môi trường (BVMT) được sửa đổi theo hướng nêu rõ mức chi cụ thể có nguyên nhân từ việc Luật Bảo vệ môi trường và văn bản dưới luật hiện chưa có quy định cụ thể về mức chi tối thiểu dành cho lĩnh vực này. Trong khi đó, nguồn chi cho bảo vệ môi trường hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, pháp luật về ngân sách hiện đã quy định mục chi cho bảo vệ môi trường (chi đầu tư và chi thường xuyên) nhưng chưa quy định đầy đủ các nội dung chi. Trong khi đó, việc sử dụng ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu sự điều phối, tổng hợp, thống nhất, thiếu vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này để bảo đảm chi ngân sách được hiệu quả.

Tuy vậy, nhìn từ góc độ của cơ quan thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải khẳng định, hiện nay không phải là không có khoản mục chi cho môi trường. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngắn hạn, kế hoạch hàng năm của các cấp, các ngành đều có khoản chi đầu tư cho môi trường, trong đó có vốn ODA và vốn trong nước. Tất nhiên, việc đưa các mục chi về bảo vệ môi trường trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngắn hạn xuất phát từ quy định tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

“Chi thường xuyên tôi kiểm tra lại thì Thông tư số 324 năm 2016 của Bộ Tài chính về quy định hệ thống mục lục ngân sách, quy định loại bảo vệ môi trường, ký hiệu số 250 để phản ánh hạch toán chi các hoạt động điều tra, quan trắc và phân tích môi trường, xử lý chất thải rắn, lỏng, khí bảo tồn thiên nhiên, đa dạng hóa sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường khác; Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để điều tra, quan trắc, phân tích môi trường, xử lý chất thải rắn, lỏng, khí bảo tồn thiên nhiên đa dạng hóa sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường khác, không bao gồm chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường chi ngân sách cho hoạt động đào tạo, chi hoạt động nghiên cứu khoa học”, Chủ  nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ.

Khi các hạng mục chi chi tiết đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thì có lẽ sẽ không thật thuyết phục để ghi chi tiết mục chi bảo vệ môi trường tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Thậm chí, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nếu điều chỉnh các văn bản khác sẽ dễ điều chỉnh hơn Luật Bảo vệ môi trường vì đã có trong mục lục chi ngân sách.

Ảnh: Quang Khánh

Các nguồn thu bảo vệ môi trường đã được đầu tư lại xứng đáng?

Cũng không tán thành với việc quy định cụ thể chi ngân sách dành cho bảo vệ môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ngay cả khi không có các nguồn thu về bảo vệ môi trường, ngân sách nhà nước sẽ vẫn phải đầu tư cho môi trường, chứ không phải có nguồn thu mới chi. Không phải thu nhiều thì chi nhiều, thu ít thì chi ít, mà kể cả không thu đồng nào Nhà nước vẫn phải chi.

Bên cạnh nguyên lý Nhà nước phải có trách nhiệm chi cho công tác bảo vệ môi trường, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu mỗi lĩnh vực chia ra 1%, 2%, 0,5% thì sẽ không còn ngân sách quốc gia. Và, vấn đề cũng không phải là xác định mức chi tối thiểu dành cho bảo vệ môi trường mà quan trọng là khi Chính phủ tập hợp lại nhu cầu chi trung hạn, hàng năm sẽ phải xác định chính xác các khoản chi cho đầu tư bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội căn cứ vào luật và những nguyên tắc, quan điểm để phê chuẩn, phân bổ ngân sách trung ương; đồng thời, Hội đồng Nhân dân các cấp thẩm tra, phê chuẩn ngân sách của địa phương quán triệt quan điểm của pháp luật về môi trường. “Không phải để đây rồi sẽ tự động chi từ 1%, 2% ngân sách cho bảo vệ môi trường là sẽ có tiền đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thực tế, trước khi cho ý kiến với dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét đề xuất của Chính phủ về quy định mức chi ngân sách cố định dành cho công tác người có công với cách mạng tại dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Đặt hai đề xuất này cạnh nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải lo ngại, quy định như vậy sẽ phá vỡ các cân đối và rất khó trong điều hành ngân sách.

Vấn đề cần quan tâm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, là đánh giá các nguồn thu và thu từ môi trường có được đầu tư lại tương xứng với chi cho bảo vệ môi trường hay không, chứ không phải là xác định tỷ lệ phần trăm chi ngân sách bao nhiêu. Vừa qua, thu phí bảo vệ môi trường, phí xăng dầu thì có chi lại tương xứng, minh bạch hay không? Tức là vấn đề cân đối các nguồn thu, phương pháp tính và đầu tư thế nào cho phù hợp, phân bổ giữa Trung ương và địa phương ra sao... - tức là thuộc vào phương pháp điều hành của chúng ta chứ không phải cứ quy định 1% là giải quyết được, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.

Có thể thấy, nếu dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định mức chi ngân sách nhà nước tối thiểu, các loại phí, lệ phí liên quan đến bảo vệ môi trường sẽ khiến ngân sách bị xé lẻ. Do vậy, phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nội dung này nên được điều chỉnh theo hướng đưa ra nguyên tắc để xử lý các vấn đề liên quan đến thuế, phí và lệ phí bảo vệ môi trường; đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi tham gia xây dựng biểu thuế, phí liên quan.

Lê Bình