Không nhiều khác biệt

- Thứ Năm, 25/06/2020, 05:20 - Chia sẻ
Nếu như các năm trước, các phiên thảo luận về phương án tăng lương tối thiểu vùng luôn "gay cấn" đến tận phút chót thì năm nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã "chốt" được phương án từ Phiên họp thứ hai: Thống nhất chưa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng hoặc có tăng thì cũng từ 1.7, mức tăng 2,5%.

Lý do là bởi hiện nay dù dịch Covid-19 đã tạm thời được khống chế, nhưng những hậu quả đang tác động sâu sắc đến nền kinh tế. Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 5, cả nước có gần 7.000 doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, có 182 đơn vị giải thể, hơn 5.000 cơ sở ngừng việc, gần 1.800 doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm quy mô lao động. Có hơn 461.000 lao động thuộc khu vực chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống. Bởi vậy, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Hội đồng chưa quyết định việc tăng hay chưa hoặc tăng ở mức nào mà sẽ dựa vào việc đánh giá "sức khỏe" doanh nghiệp cũng như trên cơ sở bảo vệ quyền lợi người lao động.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề xuất chưa tính đến việc tăng lương nhằm "dưỡng sức" cho doanh nghiệp có thể vực dậy sau dịch. Vị đại diện này phân tích: Hiện nay, thị trường cung ứng đang "đứt gãy" do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước. Hợp đồng mới của doanh nghiệp chưa có và hợp đồng cũ cũng chưa thực hiện xong nên mối lo lớn nhất là duy trì sản xuất và trả lương công nhân. Bởi vậy, người lao động cùng chia sẻ với doanh nghiệp...

Còn nhớ thời điểm này năm ngoái và cả những năm trước đó, việc thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng chưa bao giờ có thể đạt được sau  2 - 3 phiên thảo luận. Các bên "giằng co" nhau bởi những vấn đề như tăng hay không tăng, tăng bao nhiêu... Bên đại diện cho doanh nghiệp có lý lẽ của mình và bên đại diện cho người lao động cũng tương tự. Bởi vậy, nhiều người ví von việc này như hai đường thẳng song song - không thể gặp nhau...

Nhưng năm nay, lần đầu tiên sau 6 năm kể từ khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập, các thành viên Hội đồng đã đạt được sự đồng thuận ngay trong Phiên họp thứ hai, thay vì phải trải qua 3 - 4 lần như những năm trước đây. Với thông tin này, chắc hẳn người lao động không mấy "vui vẻ" nhưng quả thật, nếu tăng lương tối thiểu vùng thời điểm này sẽ rất khó và khó thực sự cho doanh nghiệp.

Cần nhắc lại rằng, tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Quốc hội cũng đã quyết định tạm hoãn việc tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ 1.7.2020 - thể hiện sự đồng lòng chia sẻ khó khăn với Nhà nước. Vậy nên, với quyết định tạm thời nói trên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, không chỉ đơn thuần là sự thống nhất về quan điểm mà đó là cách nhìn thẳng thắn về thực trạng "sức khỏe" của các doanh nghiệp hiện nay. Bởi nếu các bên cứ "cố ép nhau" phải tăng thì dễ dẫn đến hình thức, đối phó; người lao động thực sự không được hưởng lợi.

Thời gian tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải tiến hành các phiên họp tiếp theo để "chốt" vấn đề. Nhưng điều dễ nhận thấy là sẽ không có quá nhiều tranh cãi, nhiều quan điểm khác biệt như những năm trước đây.

Khánh Ninh