Không nhận định theo cảm tính

- Thứ Hai, 07/09/2020, 06:00 - Chia sẻ

Theo thông tin trên một số báo, tại buổi trao đổi "Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?", tổng giám đốc một công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn!? Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có phần từ gạo bẩn...

Quả thực, với phát biểu này, người tiêu dùng rất sốc chứ không phải sốc. Một số chuyên gia cho rằng, thông tin trên rất nguy hại, bởi hiện nay, xuất khẩu gạo của nước ta đang được đánh giá cao, kim ngạch tăng trưởng khá, giá lúa gạo tăng, nông dân phấn khởi được mùa, được giá… Thậm chí, có ý kiến cho rằng, thông tin trên không khác nào hành động phá hoại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và nước ta cũng không phải ngoại lệ.

Đáng mừng là không lâu sau đó, đại diện Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẳng định: Gạo ăn trong nước được trồng chung với gạo xuất khẩu, được sản xuất trong điều kiện bình thường, chế biến và bảo quản trong điều kiện bình thường. Điều này có thể chứng minh qua việc mỗi năm nước ta xuất khẩu 6,5 - 7 triệu tấn gạo. Bởi khi nhập khẩu, các nước đều kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Nếu không đạt các tiêu chí trên thì sẽ không thể xuất khẩu, kể cả khi đã cập bến cũng bị các nước trả lại. Ngoài ra, gạo Việt Nam còn phải cạnh tranh với gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, nên càng phải bảo đảm các tiêu chí về giá cả, chất lượng, an toàn thực phẩm thì thế giới mới mua - đại diện Cục Trồng trọt cho biết.

Người phát biểu ý kiến này khi trả lời báo chí cũng đã "nói lại" rằng: Tôi nói gạo “bẩn” ở đây là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói tới và sử dụng. Cụ thể là trong lúa, gạo, rau, củ, trái cây, hoặc thủy sản sạch là sản xuất canh tác đạt tiêu chuẩn từ VietGAP; GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ, organic. Không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn... Mục đích khi nêu thông tin này là để cảnh báo người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm ăn hàng ngày sao cho thông minh, đừng bị lừa. Và thông tin về việc người dân Việt Nam đang sử dụng gạo không an toàn không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo...

Trước đây, từng có thời điểm các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống lao đao bởi những thông tin không chính xác. Thiệt hại về kinh tế là quá rõ ràng, nhưng thiệt hại còn lớn hơn chính là niềm tin của người tiêu dùng, "chỗ đứng" của mặt hàng này trên thị trường rất lâu sau mới có thể phục hồi. Bởi vậy, điều đáng nói ở đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân với thông tin mà mình đưa ra. Thông tin ấy phải chính xác, tin cậy và minh bạch. Quan trọng hơn là phải dựa trên các căn cứ xác đáng chứ không thể mơ hồ, chung chung.

Như khẳng định của đại diện Cục Trồng trọt là khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với nông dân, cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính - thì cần thiết các cơ quan chức năng phải có "động thái" mạnh mẽ hơn.

Linh Trang