Không làm sai thì không ngại

- Thứ Bảy, 15/08/2020, 07:46 - Chia sẻ
Vài tháng trước, khi xuất hiện dịch Covid-19, tại một số địa phương đã xảy ra tiêu cực khi mua máy xét nghiệm với con số chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng, một số người đã bị khởi tố. Đó là việc Bộ Công an khởi tố Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 6 người khác với cáo buộc gian lận khi mua sắm hệ thống Realtime PCR. Theo các cơ quan chức năng, khi nhập về Việt Nam, giá máy chỉ khoảng 2,3 tỷ đồng, thế nhưng qua nhiều khâu trung gian mua bán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phải mua máy với giá 7 tỷ đồng.

Tiếp đó, cuối tháng 6, thanh tra tỉnh Quảng Nam kết luận gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động trị giá 7,2 tỷ đồng có vi phạm trong quá trình xây dựng, thẩm định giá tại Sở Y tế và Sở Tài chính. Vì vậy, thanh tra kiến nghị Chủ tịch tỉnh hủy thầu đối với gói thầu này.

Điều đáng nói là nhiều địa phương đã mua máy nhưng mỗi nơi một giá, không địa phương nào giống địa phương nào. Lý do các được địa phương đưa ra là do các gói phụ kiện đi kèm, kiểu như "tùy chọn" càng nhiều thì giá càng cao.

Realtime PCR là hệ thống mở cho phép chạy được nhiều loại hóa chất có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, không riêng nCoV. Trên thị trường, phần lớn máy phải nhập từ Đức hoặc một số nước châu Âu với giá từ 2,5 - 10 tỷ đồng, tùy công suất và cấu hình. Rõ ràng là thế nhưng vẫn xảy ra tình trạng mỗi mơi mua một giá - kiểu lòng vòng để rồi xảy ra vi phạm, phải khởi tố, hoặc "chữa cháy" bằng các hình thức khác như trả lại máy hoặc đàm phán cho mượn máy, khuyến mại các "gói phụ kiện"...

Cũng bởi những "khó khăn", "vướng mắc" và những hệ quả đã xảy ra, trong đợt dịch này, các địa phương "thận trọng" hơn, thậm chí là không dám mua. Đến mức tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống Covid-19 với các tỉnh, thành phố mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo Bộ Y tế không được phép lơ là, tiếp tục hỗ trợ kịp thời các phương tiện, năng lực xét nghiệm cho địa phương. Thủ tướng cho biết, thời gian qua đã nhận được nhiều phàn nàn về việc không dám mua sinh phẩm và kit xét nghiệm vì sợ vi phạm. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Tổng cục Hải quan sớm công bố giá thiết bị xét nghiệm nhập khẩu, tính toán các chi phí vận chuyển, thuế… để có mức giá phù hợp.

Đối với thiết bị, sinh phẩm nhập khẩu xét nghiệm, Thủ tướng đồng ý mời một số nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá trần. Đồng thời thành lập tổ liên ngành gồm y tế, tài chính, kế hoạch và đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đại diện một số bệnh viện lớn mời các nhà sản xuất đến làm việc để xác định mức giá gồm giá thành do doanh nghiệp báo, lợi nhuận cần thiết, giá chuyển giao công nghệ… để chốt mức giá trần, sau đó thông báo cho 63 tỉnh, thành phố.

Những sai phạm trong đấu thấu mua sắm trang thiết bị đã từng xảy ra. Thế nhưng không thể vì đã xảy ra sai phạm mà không làm. Vấn đề sẽ rất đơn giản, như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là cứ thế mà mua công khai, minh bạch, không tham nhũng, tiêu cực, không có gì phải ngại, không đẩy trách nhiệm lên cấp trên.

Khánh Ninh