Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nam Định Khóa XVII

Không để ô nhiễm môi trường ở nông thôn mới

- Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:18 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung bàn giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, gìn giữ diện mạo nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Bên cạnh đó, các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) sau đồn điền đổi thửa, kế hoạch bảo đảm nguồn thu ngân sách năm 2019 cũng được các đại biểu quan tâm.

Không để môi trường bị xuống cấp

Tính đến nay, Nam Định là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng NTM với 9/10 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Nam Trực đã được Hội đồng thẩm định Trung ương đồng thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2019. Phong trào xây dựng NTM đã làm thay đổi căn bản và toàn diện bộ mặt nông thôn của tỉnh, góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh. Tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Chung đã biểu dương thành quả và đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận, phân tích tồn tại, hạn chế để khắc phục, góp phần gìn giữ và phát huy thành quả trong phong trào xây dựng NTM.

Các đại biểu thảo luận tại tổ Ảnh: Tường Vy

Xoay quanh vấn đề xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Chung đề nghị UBND tỉnh cùng với các ngành chức năng sớm vào cuộc khắc phục một số điểm ô nhiễm cục bộ, ô nhiễm theo thời điểm, mục đích quan trọng là bảo vệ môi trường sống của người dân, cũng là bảo vệ thành quả xây dựng NTM của tỉnh. Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các địa phương sớm rà soát 5 cửa ô vào tỉnh, bảo đảm không gian khang trang để xứng tầm một tỉnh NTM.

Theo đó, các đại biểu HĐND đều nhận định rằng, đạt chuẩn không có nghĩa là dừng lại bởi bên cạnh những tiêu chí đạt điểm tuyệt đối cũng còn một số tiêu chí chỉ đủ điểm để công nhận đạt chuẩn. Hoặc có những tiêu chí đạt rồi nhưng rất khó gìn giữ, như tiêu chí về môi trường, tỷ lệ tham gia BHYT, tiêu chí an ninh trật tự… Theo đại biểu Nguyễn Văn Lộc, môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt và khó giữ trong xây dựng NTM. Hiện nay, trên địa bàn TP Nam Định cũng như nhiều huyện khác, tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ, ô nhiễm vào từng thời điểm vẫn diễn ra, đặc biệt là những nơi có các khu - cụm công nghiệp, hoạt động xả thải bừa bãi của các doanh nghiệp rất khó xử lý. Người dân bức xúc nhưng cũng không có cách gì ngăn chặn. Đại biểu Lộc đề nghị UBND tỉnh cùng với các ngành chức năng cần sớm có biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho một bộ phận doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thanh tra, xử phạt nghiêm khắc để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, không để ảnh hưởng đến hình ảnh của một tỉnh NTM dẫn đầu cả nước.

 Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Hà nêu thực tế, trên địa bàn tỉnh đã triển khai rất nhiều hoạt động, phong trào nhằm xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, điển hình là việc trồng các tuyến đường hoa đã trở thành điểm nhấn cho Nam Định mà nhiều địa phương khác đã đến học tập. Tuy nhiên, đại biểu tỏ ra lo lắng: “Hoa có thể hôm nay nở rộ rất đẹp nhưng một tuần sau lại tàn hoặc không có người chăm sóc thì không còn nữa. Kinh phí để duy trì các tuyến đường hoa cũng là vấn đề cần tính toán”. Cũng như đại biểu Hà, đa số đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, tiêu chí môi trường cũng như một số tiêu chí “mềm” khác đều có thể dao động nên nếu không có ý thức giữ gìn có thể đánh mất.

Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường có thể gây ảnh hưởng đến diện mạo NTM, tại kỳ họp, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Trần Minh Hoan thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay tại một số KCN của tỉnh vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, nguyên nhân do Trạm xử lý nước thải của KCN bị quá tải, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Trước những ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh, ông Hoan khẳng định, Ban sẽ phối hợp với Sở TN - MT và Cảnh sát môi trường sớm có giải pháp tối ưu khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Tập trung những nhiệm vụ cấp bách

Cùng với lĩnh vực xây dựng NTM, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung bàn kế hoạch bảo đảm nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Tính đến nay, Nam Định vẫn là một trong những tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp và chỉ đáp ứng 30% nhiệm vụ chi. Trong 6 tháng đầu năm 2019, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.643 tỷ đồng, bằng 53% dự toán năm và bằng so với cùng kỳ. Theo đó, các đại biểu cho rằng, nếu trừ tiền sử dụng đất của một số địa phương thì con số này đạt thấp so với dự toán. Do đó, trong những tháng cuối năm, ngành thuế cần quản lý tốt việc thu ngân sách nội địa, thu đúng - thu đủ, nhất là trong khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề cấp giấy chứng nhận QSDĐ sau dồn điền đổi thửa - một câu chuyện không mới tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Nam Định. Thực tế, liên tục từ năm 2015 - 2018, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đều không đạt mục tiêu do tỉnh đề ra. Tương tự, năm 2019, tỉnh giao cấp 74.000 giấy, tuy nhiên 6 tháng đầu năm mới chỉ cấp được 9.000 giấy, đạt khoảng 12%. Các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ quá chậm sẽ khiến các hộ nông dân không yên tâm đầu tư sản xuất và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của họ. Bên cạnh đó, khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Lý giải về tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền Giám đốc Sở TN - MT Phan Văn Phong cho rằng, do các địa phương chưa nghiêm túc thực hiện quy định dành 10% kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau dồn điền đổi thửa. Bên cạnh đó, trong quá trình lập thủ tục có nhiều vướng mắc, các hộ dân chưa thực sự phối hợp cung cấp thông tin để cấp giấy chứng nhận.

Trong 6 tháng cuối năm, số lượng giấy chứng nhận cần cấp rất lớn, ngành TNMT cũng đã lập tổ công tác đôn đốc các huyện cấp giấy chứng nhận, tuy nhiên còn nhiều khó khăn. Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Chung đề nghị các huyện cần chủ động nguồn kinh phí, ưu tiên cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho những nơi cấp thiết. Việc cấp giấy chứng nhận cần thiết, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện cần thận trọng, chính xác, hạn chế thấp nhất sai sót dẫn tới phát sinh khiếu nại, thắc mắc của người dân.

ĐÀO CẢNH