Bất động sản công nghiệp

Không dễ nắm bắt cơ hội

- Thứ Bảy, 20/06/2020, 10:05 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp lần II diễn ra tại Hà Nội ngày 19.6, giới chuyên gia nhận định, bất động sản công nghiệp đang ở trong thời kỳ vàng để “dọn tổ đón đại bàng”. Tuy vậy, việc nắm bắt cơ hội này không hề đơn giản khi nhiều khu công nghiệp có quy mô nhỏ, chất lượng quản lý vẫn mang tính bao cấp và thủ tục hành chính còn nặng nề.

Điểm sáng

“Bất chấp khó khăn chung, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn có những bước phát triển mạnh mẽ, phân khúc bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Toàn cảnh diễn đàn

 Ảnh: Hạnh Nhung

Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối tháng 5.2020, cả nước có 561 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 201 nghìn hecta (chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước). Trong đó có 374 KCN đã được thành lập với diện tích 114,4 nghìn hecta và 259 KCN chưa thành lập, diện tích khoảng 86,6 nghìn hecta.    

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tin tưởng rằng, “cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19”.

Trước đó, Savills, một tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản cho biết, mặc dù phần lớn các ngành nghề đều chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng bất động sản công nghiệp không ngừng nóng lên. Bằng chứng là sự xuất hiện của các dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế (FDI) vào các khu chế xuất, khu công nghiệp Việt Nam liên tục tăng lên.

“Thời điểm hiện tại là cơ hội vàng để bất động sản công nghiệp Việt Nam dọn tổ đón đại bàng”, ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương nói. Tuy nhiên, để đón được đàn chim di cư này, phải đặt ra những câu chuyện thực tiễn và sớm giải quyết.

Thời điểm này là cơ hội vàng để bất động sản công nghiệp đón "đại bàng"?

Nguồn: ITN 

“Làm gì để nắm bắt cơ hội là một câu chuyện lớn

Theo ông Phương, “bất động sản công nghiệp được đánh giá cao khi chúng ta đã ký được nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng hiện nay quy mô của nhiều KCN còn nhỏ. Muốn thu hút được những doanh nghiệp lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ thì cần có quỹ đất sạch, do đó quan trọng là phải tìm được doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng”.

Cơ hội FDI vào Việt Nam, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xuất hiện trước dịch Covid-19, tuy nhiên “nhờ” có đại dịch này mà xu hướng càng trở nên mạnh mẽ hơn, dù vậy “làm gì để nắm bắt cơ hội là một câu chuyện lớn”. GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, chất lượng quản lý KCN vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp"; thủ tục hành chính quản lý ở các KCN còn nặng nề. “Lúc đầu chúng ta quan niệm khu công nghiệp là rất quan trọng, cần phải quản chặt. Tuy nhiên, quản lý chặt là để thúc đẩy phát triển chứ không phải như hiện nay Nhà nước càng quản chặt thì sự phát triển của các khu công nghiệp càng bị “teo” lại”.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Trần Quốc Trung cho rằng, để đón sóng đầu tư, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển KCN, tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch KCN, đổi mới mô hình KCN hiện tại (đa ngành) và phát triển một số mô hình KCN mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao và kiện toàn, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước KCN. Cùng với đó, phải đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN gắn với hạ tầng xã hội bảo đảm hoạt động của KCN…

Thế giới hiện đã chuyển sang khái niệm KCN sinh thái, nghĩa là phải bảo đảm yếu tố xanh, sạch của môi trường và tính bền vững trong phát triển. “Nhưng thực tế, KCN sinh thái nghĩa là KCN được tiếp cận theo cách thức xây dựng một hệ sinh thái, có tính quan hệ cộng sinh lẫn nhau để từ đó tạo nên mối quan hệ bền vững”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, việc phát triển bất động sản công nghiệp phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp. Dịch bệnh cũng làm gia tăng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn và không có nơi nào thuận lợi hơn KCNN. "Từng địa phương và từng KCN phải “vượt qua được nỗi sợ của người khác”. Ở góc độ chính sách, ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong KCN, mà cả hạ tầng kết nối giữa các KCN. Làm được điều đó, các KCN sẽ đóng góp trực tiếp vào cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng”.

 

 

 

 

Hạnh Nhung