Góc nhìn

Không để “chỉ thu” mà “không chi”

- Thứ Bảy, 30/05/2020, 07:56 - Chia sẻ
Quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh đã được quy định từ Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và Nghị định 94/2014/NĐ-CP năm 2014. Quỹ phòng, chống thiên tai được xác định là nguồn lực tài chính quan trọng để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, nhiều vướng mắc trong thu - chi khiến nguồn lực này chưa phát huy hiệu quả.

Thống kê đến hết tháng 5.2020, đã có 60/63 tỉnh, thành phố tiến hành thu Quỹ. Tổng kinh phí đã thu được là 3.164 tỷ đồng. 48/60 tỉnh, thành phố đã tổ chức chi quỹ để thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai với tổng kinh phí 1.480 tỷ đồng. Hiện, Quỹ Phòng, chống thiên tai còn tồn 1.684 tỷ đồng. Đáng chú ý, hiện vẫn còn 3 địa phương dù đã thành lập quỹ nhưng chưa tổ chức thu quỹ được là Lai Châu, Quảng Bình, Bạc Liêu. Việc thu quỹ tại nhiều địa phương chỉ đạt 50% so với chỉ tiêu đề ra, nguyên nhân là bởi “rất khó thu, chỉ trên hình thức vận động là chủ yếu”. Nơi không thu, nơi thu ít thực tế đã tạo ra sự bất bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp ở tỉnh này và ở tỉnh khác.

Việc thu quỹ mỗi địa phương cũng thu theo mỗi kiểu. Ở cấp huyện, có nơi giao về chi cục thuế thu các đơn vị doanh nghiệp, đơn vị UBND xã thì phụ trách thu người dân. Còn một số huyện khác thì giao về xã thu cả người dân lẫn doanh nghiệp. Hiện cán bộ làm công tác này đa phần là kiêm nhiệm. Trong số 63 tỉnh, thành phố, chỉ có duy nhất tỉnh Đồng Nai có bộ máy quản lý quỹ là chuyên trách. Điều này khiến công tác thu quỹ ít nhiều gặp khó khăn…

Việc thu quỹ đã khó, việc chi quỹ còn khó và phức tạp hơn. Trong 6 năm qua, các địa phương trên cả nước mới sử dụng 1.480 tỷ đồng và tồn dư 1.684 tỷ đồng. Như vậy, số chi chưa đến 50% tổng số thu, trong đó có nhiều địa phương chỉ thu chứ không chi quỹ, hoặc chi rất ít, hoặc do mức chi bị giới hạn nên chỉ chi được một phần nhỏ; nhiều địa phương cũng lúng túng, không dám chi vì sợ sai quy định. Nói cách khác, hiệu quả sử dụng quỹ chưa cao, nguồn lực này hiện đang đóng băng vì khó giải ngân.

Đơn cử như tại Bắc Ninh, trong tổng số gần 54 tỷ đồng thu được trong năm 2019 cộng với số dư từ các năm trước chuyển sang là gần 73 tỷ đồng, thì số tiền chi quỹ năm 2019 chỉ đạt hơn 28 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai. Nguyên nhân của việc chi quỹ khó khăn được tỉnh này lý giải là do đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thu, chi quỹ. Định mức chi cho hoạt động phòng chống thiên tai thấp (dưới 1 tỷ đồng/công trình). Việc triển khai thực hiện các dự án khắc phục hậu quả thiên tai từ nguồn kinh phí đầu tư từ quỹ còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhiều địa phương hiện nay việc thu - chi chưa thực sự minh bạch. Năm 2019, theo báo cáo của Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, chỉ có 42 tỉnh, thành phố báo cáo về việc thu và sử dụng quỹ. Mặc dù Nghị định 94 quy định các địa phương phải công khai thông tin về sử dụng quỹ, nhưng nhiều địa phương không báo cáo trước cơ quan cấp trên, chứ chưa nói đến việc báo cáo trước người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp đóng tiền quỹ nhưng hầu như không được biết tiền được sử dụng thế nào.

Trước thực tế đó cho thấy, cần hết sức lưu ý điều chỉnh cơ chế thu chi để bảo đảm phù hợp thực tiễn, tránh chồng chéo, tránh bỏ sót, công khai minh bạch cho người dân được biết. Cơ chế thu phải phù hợp với các địa phương nghèo, người dân đã đóng góp nhiều; những địa phương có số lượng dân vãng lai, di cư nhiều. Đặc biệt, cần có cơ chế điều tiết quỹ giữa các địa phương, bảo đảm tính khả thi, vì đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách và thành lập ở địa phương. Thực tiễn phòng, chống thiên tai cho thấy, ở tại các địa phương thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng quỹ này lớn nhưng nguồn thu của quỹ lại thấp, ngược lại một số địa phương ít có thiên tai thì lại có kết dư quỹ lớn. Do đó, nếu không điều tiết được thì sẽ dẫn đến tình trạng tồn dư quỹ như thời gian qua, không bảo đảm được nguyên tắc hoạt động cơ bản của quỹ là kịp thời, hiệu quả.

Phải khẳng định rằng, Quỹ Phòng, chống thiên tai là rất cần thiết để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm bớt ngân sách tỉnh, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ rệt đến thời tiết hiện nay. Để việc thu - chi quỹ đạt kết quả cao, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và toàn thể xã hội về nộp quỹ; các địa phương cần xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thu quỹ hàng năm, triển khai thu bảo đảm tiến độ về thời gian, chi đúng mục đích, yêu cầu.

Duy Anh