Không biết kêu ai?

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 15:41 - Chia sẻ
Đó là ý kiến của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) về tình trạng ô nhiễm không khí. Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm về bảo vệ không khí, cụ thể là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bởi hiện nay mới chỉ nói đến những hành vi của tổ chức, cá nhân gây tác động môi trường; còn tại nhiều địa phương, ô nhiễm diễn ra rất lâu, dân kêu nhiều “nhưng không biết kêu ai”.

Thực tế, tình trạng ô nhiễm bụi mịn, ô nhiễm không khí ở nước ta đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng đến nay người dân mới thực sự chú ý nhờ vào các thông tin từ nhiều đơn vị độc lập quan trắc. Và đến nay cũng chưa có một chiến lược chống ô nhiễm không khí bài bản, quyết liệt nào. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về môi trường, trong đó có môi trường không khí, nhưng trong các quyết định liên quan giao nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng không khí đô thị lại được giao cho Bộ Giao thông - Vận tải. Ngành xây dựng quản lý các nội dung liên quan đến vấn đề bụi của các công trình xây dựng… Sự chồng chéo này khiến vấn đề ô nhiễm không khí chưa thực sự được quan tâm một cách đúng mức.

Cũng tại phiên thảo luận ở tổ về dự án luật này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Bộ máy đông nhưng yếu, không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về vấn đề này. Phải sửa luật để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa về trách nhiệm của mình trước dân”. Quả thực, ngay cả khi chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy tình trạng ô nhiễm đã chạm mức nhất nhì thế giới, thì việc kiểm kê các nguồn phát thải để xác định những giải pháp ưu tiên vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân quan trọng là “chẳng rõ việc của ai”, không làm cũng không có chế tài xử lý. Tất cả biện pháp cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo người dân hạn chế ra đường.

Trong bối cảnh này, việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Chín này được nhiều đại biểu đánh giá là cơ hội để hoàn thiện các quy định pháp luật, góp phần cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững. Ra đời trong bối cảnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường đang ngày càng diễn biến tiêu cực, dự thảo đã bổ sung nhiều điểm mới nhằm tăng cường trách nhiệm cơ quan quản lý và siết chặt hơn các biện pháp nhằm giảm ô nhiễm. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ là cơ quan ban hành quy chuẩn đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải thay vì Bộ Giao thông - Vận tải, bảo đảm 1 cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Đã đến lúc thống nhất đầu mối quản lý chịu trách nhiệm chung về môi trường, trong đó có chất lượng không khí, xử lý tận gốc các nguồn phát thải gây ô nhiễm. Tại Hội thảo Tham vấn ý kiến ĐBQH về một số nội dung quan trọng trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, sẽ “trải chiếu xanh” với dự án thân thiện môi trường và tập trung nguồn lực để kiểm soát những dự án gây ô nhiễm. Bởi những dự án gây ô nhiễm cũng “đóng góp” rất lớn vào hàm lượng các chất gây ô nhiễm không khí. Do đó, khi xây dựng tiêu chuẩn chất lượng không khí cần dựa trên yếu tố sức khỏe người dân và tiêu chuẩn thải phải dựa trên công nghệ tốt nhất hiện có, cùng với đó là trách nhiệm của chủ xả thải với cộng đồng và môi trường nếu để xảy ra ô nhiễm.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có chương trình hành động quốc gia về quản lý ô nhiễm không khí, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến chất lượng không khí. Đặc biệt, đối với những đô thị nhiều khu công nghiệp, cần có bộ phận chuyên trách về ô nhiễm không khí, hiểu về chuyên môn, xác định được các nguồn và đưa ra những thông tin, những chính sách về mặt quyết định, quy định để đưa ra những ứng xử phù hợp. Đặc biệt, “trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng phải có chế tài xử nghiêm như Nghị định 100, nếu không thì nói mãi cũng nhờn” như lời Thủ tướng nói.

Duy Anh